Cô giáo Mường tận tụy 23 năm với sự nghiệp giáo dục nơi vùng cao biên giới
Sinh ra và lớn lên ở xã Thiết Ống, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) nhưng cô giáo người Mường Đinh Thị Hải (SN 1968) lại dành cả thanh xuân của mình gắn bó với trẻ em vùng biên giới huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Chúng tôi gặp cô Hải khi cô đang dạy tập đọc cho trẻ tại điểm trường chính của Trường mầm non xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát.
Cô giáo Hải chia sẻ: “Năm 1999 tôi ở quê lên ở cùng anh trai công tác trên Mường Lát, cũng từ đó thì đi học sư phạm mầm non rồi về công tác tại xã Pù Nhi (hồi chưa tách xã Nhi Sơn) và khi tách xã thì tôi lại chuyển về công tác tại xã Nhi Sơn. Đến nay tôi đã gắn bó 23 năm trong ngành giáo dục trên vùng biên giới Mường Lát này”.
Theo lời cô Hải, ngày đầu tiên đi dạy cô được phân công cắm bản Pù Mùa, xã Pù Nhi. “Khi tôi cùng một giáo viên khác vào bản, trẻ em nơi đây thấy trang phục của chúng tôi mặc trên người lạ mắt thì bỏ chạy hết vì sợ sệt. Lúc đó tôi cũng chẳng biết phải làm sao nữa”, cô Hải nhớ lại.
Khi ấy, do dạy học ở điểm lẻ còn nhiều khó khăn về đường xá đi lại, lớp học bằng tre nứa, không có nơi ở cho giáo viên nên cô Hải phải đi ở nhờ nhà trưởng bản trong thời gian giảng dạy và đợi chính quyền, nhân dân làm cho mình một căn phòng để ở.
“Cô trò bất đồng về ngôn ngữ, trẻ không tự tin, không biết chữ nên thường xuyên úp mặt xuống bàn khiến cho việc dạy càng khó khăn hơn, nhiều lúc tôi đã phải nhờ các thầy giáo tiểu học dịch hộ sang tiếng H’Mông để dạy trẻ, cũng như cố gắng hơn trong mỗi tiết học và tranh thủ những ngày nghỉ thì đi gặp cán bộ trong bản để học tiếng, học giao tiếp, phong tục của người dân bản địa”, cô Hải nói.
Cô Hải không thể quên những ngày khó khăn khi bản 100% hộ dân đều là người H’Mông nên việc cho trẻ đến lớp còn hạn chế, cô phải cùng cán bộ phải đi vận động từng gia đình thì phụ huynh họ trả lời “Con gái lớn lên lấy chồng nên không cho đi học, con trai thì cho đi học vì nó ở với ta thôi”. Cũng chính vì như thế nên những ngày đầu cô Hải muốn vào bản xin cái gì, hỏi cái gì thì cũng phải đợi nam giới về mới có thể nói chuyện được vì khoảng 90% phụ nữ lúc đó không biết chữ.
“Tuy những năm đầu khi là giáo viên hợp đồng được trợ cấp 100.000 đồng và 20kg gạo dân nuôi nhưng dân trong bản rất quý giáo viên khi đi đưa, đón con có rau, bí, củ, quả gì thì họ cho giáo viên cái đấy. Cũng chính vì thế sau khi tôi được luân chuyển ra điểm trường khác thì dân bản, trẻ nhỏ chỉ muốn tôi ở lại tiếp tục dạy con em họ”, cô Hải bộc bạch.
Đến thời điểm hiện tại sau 23 năm gắn bó với trẻ em vùng biên thì cô Hải vẫn chưa lập gia đình. Cô cũng chia sẻ rằng, chứng kiến sự khó khăn, thiếu thốn của người dân nên cô muốn dành cả tuổi thanh xuân của mình cho trẻ em vùng biên giới này.
Cô Hà Thị Huy, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Nhi Sơn cho biết: “Cô Hải là giáo viên có nhiều năm công tác trong ngành, nhiều kinh nghiệm, sáng kiến trong công tác giảng dạy và được nhận nhiều giấy khen của các cấp về công tác giảng dạy cũng như được nhân dân, học sinh trong bản quý mến”.
Trần Nghị