Những tấm gương người thầy vượt khó nơi vùng cao biên giới của Kon Tum
Mo Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) là một xã nằm ở ngã ba biên giới Việt – Lào – Campuchia. Trước đây Mo Rai vô cùng heo hút, đồng bào Rơ Mâm - dân tộc duy nhất nơi đây đã có một cuộc sống hết sức tự nhiên, phụ thuộc vào rừng, đói kém và lạc hậu. Để giữ vững vùng phên dậu của tổ quốc, đầu tiên là bộ đội tìm lên, tiếp sau bộ đội chính là... thầy cô giáo.
Cũng lại vì nghề, vì nghiệp, vì cái sự thiêng liêng cao quý của nghề mà bao thế hệ thầy cô trẻ trung, chân trần đã đi bộ cả vài ngày đường lên đây tìm trò, mở lớp dạy học. Từ những ngôi trường mái tranh, vách liếp, rắn, rết còn bò vào lớp học, bằng sự kiên nhẫn của mình, “lớp cha trước, lớp con sau” của cái nghiệp phấn trắng bảng đen nơi đây mà giáo dục Mo Rai đã ngày một xua đuổi sự lạc hậu bằng con chữ của mình.
Vài chục năm cần mẫn, miệt mài đóng góp như vậy, hiện nay các thế hệ thầy, cô giáo trẻ vẫn lên đây để cống hiến, làm rạng danh thêm cái nghề "gõ đầu trẻ" của mình. Trong ngôi trường nằm giữa bát ngát đại ngàn Mo Rai, chẳng ai ngờ cô giáo trẻ có tên Y Xuyên lại cả gan bỏ phố huyện náo nhiệt Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) để lên đây dạy học.
Đang lúc tuổi xuân, cô Y Xuyên chấp nhận khó khăn, thua thiệt với cánh bạn cùng trang lứa để lên đây với một ước muốn là được đóng góp, cống hiến cho ngành giáo dục và hơn hết là được đồng hành cùng những đứa trẻ nghèo ở nơi “sơn thâm cùng cốc” này.
Cô Y Xuyên không chút lưỡng lự chia sể: “Em học ngành sư phạm, dưới huyện cũng có thể xin được nghề khác với mức lương tốt hơn, công việc cũng nhàn hạ hơn nhưng em không muốn vì em thích nghề dạy học mà hơn hết là em yêu những gương mặt và đôi mắt trong veo của những đứa trẻ vùng cao”.
Cô Y Xuyên kể những ngày đầu lên dạy học đã gặp khó khăn đủ thứ, nhất là việc phải đi tìm trò đến lớp để dạy chứ học sinh không tự nguyện tới lớp.
“Ngoài dạy kiến thức còn phải dỗ dành các em để các em cảm thấy có được niềm vui khi tới lớp, rồi còn phải làm công tác tư tưởng đối với bố mẹ học sinh để họ đồng ý cho con em mình đến trường. Sau một thời gian, bà con dân bản cũng hiểu nên việc tìm trò tới lớp để dạy cũng đỡ vất vả hơn.
Về đời sống thì có những bữa cơm chỉ có rau rừng và cơm trắng. Khi ấy, bản thân tôi có lúc cũng nản chí, mệt mỏi, nhưng khi đến lớp thấy học sinh vui vẻ, ngoan ngoãn, chịu khó học, quý cô giáo nên thấy thương và cố gắng hơn”, cô Y Xuyên nói.
Cũng như cô giáo Y Xuyên, thầy giáo trẻ Lê Quý Tình cũng vì lòng yêu nghề và ước muốn được đứng trên bục giảng mà vượt hàng chục cây số đường rừng, từ Ngọc Hồi để lên đây dạy học.
Suốt mấy năm nay thầy Tình cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, không một chút so sánh, không một sự lựa chọn khó dễ chỉ vì để được dạy học và truyền thụ kiến thức cho các em học sinh. Khi được hỏi dự định cho thời gian tới, thầy Tình nói ngắn gọn: "Ở đâu có trò, ở đó có tôi!".
“Khi lên đây dạy học tôi cũng rất vui vì đã hoàn thành ước mơ được trở thành một giáo viên, được truyền đạt những kiến thức cho các học sinh.
Dạy học sinh vùng cao cũng có những khó khăn nhất định, đặc biệt, vào đầu năm học hoặc sau Tết Nguyên đán, việc học sinh đột ngột bỏ lớp, không đến trường vẫn xảy ra thường xuyên. Mỗi lần như vậy, các thầy, cô trong trường lại phải khăn gói băng rừng, lội suối để tìm đến từng nhà, vận động các em quay trở lại lớp học.
Việc dạy học cho các em tại miền núi cao không phải là một điều dễ dàng đối với bất kỳ ai, chứ không riêng một người giáo viên như tôi, cũng vì thế mà tôi dặn mình phải cố gắng hơn nữa để đem lại con chữ cho học sinh ở cái nơi vốn các em đã thiệt thòi đủ thứ này”, thầy Tình nói.
Bình dị mà cao quý, yêu nghề và trọng nghề, những giáo viên như cô Xuyên, thầy Tình đang góp sức để làm cho "nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý” ngày càng cao quý hơn nữa.
Hoàng Thanh