Hà Tĩnh triển khai nhiều dự án xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá
Thời gian qua, Hà Tĩnh triển khai xây dựng nhiều dự án nhằm đáp ứng cơ bản hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá. Đây sẽ là động lực để phát triển kinh tế biển nói chung và nghề cá nói riêng.
Khu neo đậu tránh trú bão Cửa khẩu Kỳ Hà (Thị xã Kỳ Anh) được đầu tư 40 tỷ đồng đã hoàn thiện nhiều hạng mục thiết yếu và đưa vào sử dụng |
Tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài bờ biển hơn 137km với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là khai thác thuỷ hải sản với hơn 3.600 tàu thuyền đánh bắt trên biển. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Thuỷ sản tỉnh, mặc dù số lượng tàu nội tỉnh và các tỉnh bạn tham gia khai thác trên vùng biển rất đông, nhưng hiện nay hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng neo đậu, tránh trú bão, luồng lạch bị bồi lắng, quy mô cảng cá hạn chế…
Thêm vào đó là sự cố môi trường biển, khiến thuỷ hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung xảy ra vào đầu tháng 4/2016 đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt đối với 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt để sớm tìm ra nguyên nhân; chỉ đạo khôi phục sản xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Sau hơn bảy năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là các Bộ, ngành, địa phương liên quan trực tiếp, công tác giải quyết, khắc phục sự cố môi trường đã đạt được những kết quả bước đầu. Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm khắc phục và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương vùng ảnh hưởng. Ngay sau khi nhận được tiền bồi thường và thu được tiền phạt, Chính phủ đã bố trí nguồn tiền này để thực hiện các Dự án phục vụ phát triển kinh tế biển cho các tỉnh bị ảnh hưởng.
Một trong các dự án đó là Dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá” và Dự án “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản” tại 04 tỉnh miền Trung trong đó có Hà Tĩnh.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 476/QĐ-TTg ngày 01 tháng 5 năm 2019, với quy mô đầu tư cho mỗi tỉnh không quá 400 tỷ đồng. Tại Hà Tĩnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bố trí 400 tỷ đồng để đầu tư thực hiện 04 Dự án thành phần tại 04 cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh.
Vào mùa mưa bão, tàu thuyền của bà con ngư dân có chỗ neo đậu an toàn, không còn cảnh thon thót lo sợ mỗi khi có mưa to, gió lớn |
Thực hiện Quyết định số 476 của Thủ tướng Chính Phủ, ngày 17/09/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 3081/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá sử dụng khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (Formosa). Theo đó, tại Hà Tĩnh sẽ thực hiện các dự án sau: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa khẩu Kỳ Hà (tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng cá Thạch Kim (tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng); Dự án nạo vét và chỉnh tuyến luồng, cửa vào Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ (tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng Cảng cá Cửa Nhượng (tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng).
Tất cả các Dự án này đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đại diện chủ đầu tư và quản lý. Khi hoàn thành, các dự án này hứa hẹn sẽ làm thay đổi cơ bản hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá trên toàn tỉnh Hà Tĩnh. Đây sẽ là động lực để phát triển kinh tế biển nói chung và nghề cá nói riêng tại Hà Tĩnh. Hiện nay, các Dự án đang được gấp rút triển khai để hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác.
Riêng Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa khẩu Kỳ Hà với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng, thiết yếu. Đặc biệt là âu tránh trú bão đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng từ nhiều tháng nay. Các hạng mục còn lại đang được các nhà thầu tập trung thi công hoàn thiện để bàn giao trước 30/6/2022.
Khu neo đậu tránh trú bão Cửa khẩu Kỳ Hà gồm nhà điều hành được xây dựng hai tầng với tổng diện tích sử dụng hơn 258 mét vuông, có hàng rào bao quanh và hệ thống giao thông nội bộ, sẽ là nơi làm việc của đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật quản lý và điều hành tổng thể khu vực. Ngoài ra, bồn hoa, cây xanh cũng được bố trí trên một tỷ lệ diện khá lớn (1.141m2) vừa tạo cảnh quan chung vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.. Đặc biệt, do đặc thù nghề cá là lĩnh vực sản xuất có yêu cầu xả nước thải ra môi trường lớn, nên hệ thống mương thoát nước được thiết kế với chiều dài 306m, đủ để bảo đảm bảo phục vụ công tác xử lý, thoát nước thải và bảo vệ môi trường nội bộ cũng như môi trường vùng phụ cận.
Nhà điều hành được xây dựng hai tầng với tổng diện tích sử dụng hơn 258m2, là nơi làm việc của đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật quản lý và điều hành |
Ông Nguyễn Đình Dũng, ngư dân trú tại xã Kỳ Hà cho biết: 'Trước đây, Âu tránh trú bão này xuống cấp nặng nề, kể từ khi Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, hiện đại và kiên cố hóa, bà con ngư dân chúng tôi rất vui mừng và yên tâm sản xuất. Vào mùa mưa bão, tàu thuyền của bà con chúng tôi có chỗ neo đậu an toàn, không còn cảnh thon thót lo sợ mỗi khi mưa to, gió lớn. Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến sự phát triển của nghề cá nói chung và bà con địa phương chúng tôi nói riêng'.
Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu trên bờ của Khu neo đậu tránh trú bão nhằm bảo vệ tài sản tàu thuyền cho ngư dân khi mùa mưa bão về, hình thành khu dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác thuỷ hải sản. Ngư dân và chính quyền địa phương nơi được bố trí đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá đặt nhiều kỳ vọng vào sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành Trung ương cũng như Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thúc đẩy các Dự án còn lại được thực hiện và bàn giao đúng tiến độ để bà con ngư dân yên tâm bám biển, góp phần phát triển kinh tế biển của địa phương trong thời thời gian tới.
Xây nhà an toàn cho người dân ven biển miền Trung: 'Giờ gia đình tôi không còn sợ bão, không còn phải lo chạy bão'
Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Huyên (Quảng Ngãi) tại hội nghị “Nhà an toàn chống chịu bão, lụt: Mô hình thành công và hướng đi trong thời gian tới”.
Trần Hoàn