Quảng Ninh: Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế biển song song với bảo vệ môi trường
Để cảng biển trở thành động lực tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, Quảng Ninh tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Toàn tỉnh Quảng Ninh có 10/14 huyện, thị, thành phố tiếp giáp với biển (trong đó có 2 huyện đảo Cô Tô và Vân Đồn). Tổng diện tích các địa phương ven biển và vùng biển, đảo chiếm tới 72% diện tích, 72,5% dân số; riêng diện tích đảo chiếm 11,5% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Với những tiềm năng và lợi thế nêu trên, Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực, từng bước phát triển kinh tế biển đảo.
Tỉnh Quảng Ninh cũng xác định sẽ đưa ra các mục tiêu, chiến lược phát triển để trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu, trọng tâm là các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển.
Thời gian tới, định hướng phát triển các ngành kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh theo thứ tự ưu tiên lần lượt là: Du lịch và dịch vụ; Kinh tế hàng hải; công nghiệp ven biển; KCN, KKT và khu đô thị ven biển; Kinh tế thủy sản; Khai thác khoáng sản biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển kiểu mới.
Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng thuộc nhóm I, là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng, có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế...
Hiện tuyến đường biển của Quảng Ninh đảm nhận khoảng 8,3% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 11,3% khối lượng vận chuyển hành khách, chiếm 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc.
Cảng biển Quảng Ninh |
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế, quy định thắt chặt trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh được triển khai... Vì thế, 6 tháng đầu năm 2021, Quảng Ninh chỉ đón được 51.619 lượt tàu biển, sản lượng hàng hóa đạt gần 46 triệu tấn, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, những tháng đầu năm là thời điểm hàng hóa kém sôi động, ngành Than gặp khó khăn, dẫn đến sản lượng hàng hóa bị ảnh hưởng là điều khó tránh. Tuy nhiên, giai đoạn những tháng cuối năm, thời điểm các chuỗi sản xuất được đẩy mạnh, Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp kích cầu, chống dịch hiệu quả, sẽ khiến sản lượng hàng hóa sớm tăng trở lại.
Cụ thể theo ông Thành, các khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao sẽ là Hòn Gai và Cẩm Phả, đặc biệt trong đó là mặt hàng container. Lý do là bởi, tại Quảng Ninh các KCN đang hình thành và phát triển rất mạnh, trong đó nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tính chất toàn cầu ẽ kéo theo hàng loạt các nhà đầu tư phụ trợ vào Quảng Ninh dẫn đến nhu cầu vận chuyển, nhập và xuất thiết bị cao vào dịp cuối năm.
Thời điểm cuối năm 2021 theo dự đoán, các cảng của Quảng Ninh sẽ là lựa chọn hàng đầu để các chủ tàu đưa tàu chuyên chở hàng rời, như nông sản, nguyên liệu thô phục vụ cho các ngành nông nghiệp, vật liệu xây dựng đến.
Để cảng biển thực sự là mũi nhọn của nền kinh tế, động lực tăng trưởng, hiện Quảng Ninh đang đẩy mạnh các hoạt động kích cầu thông qua việc đổi mới cơ chế, chính sách cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Đó là tăng cường quảng bá thương hiệu, tối ưu hóa các hoạt động khai thác cảng, tối ưu hóa cầu bến, hỗ trợ cho các hoạt động cảng từ vùng neo. Các cảng đã chuẩn hóa quy trình khai thác, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, áp dụng phần mềm, tăng năng suất khai thác và chất lượng dịch vụ; triển khai nhiều giải pháp chống dịch hiệu quả, đón được nhiều tàu trọng tải lớn.
Hiện nay, tại các cảng biển đang thực hiện giải pháp tăng cường thu hút nguồn hàng, tạo tăng trưởng cũng đã được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng xác định phát triển kinh tế biển bền vững tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Cùng với đó, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Hoàng Thanh