Hà Tĩnh: Phấn đấu xây dựng sản phẩm chè Thọ Điền đạt tiêu chuẩn OCOP
Với nhiều lợi thế về vườn đồi, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang phấn đấu xây dựng sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP, xem đây là cây xoá đói, giảm nghèo giúp người dân phát triển kinh tế.
Ở xã Thọ Điền, chè là loại cây giúp xoá đói giảm nghèo. |
Xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang có tổng diện tích hơn 25ha chè, trong đó có khoảng 12ha mang tính tập trung, phân bố chủ yếu ở thôn 6, do các hộ gia đình chăm sóc. Cây chè cho thu hoạch gần như quanh năm, trong đó vụ chính kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8.
Để khuyến khích mở rộng diện tích trồng chè và đảm bảo việc tiêu thụ chè cho người dân, từ năm 2015, xã Thọ Điền đã thành lập HTX dịch vụ chè Sơn Thọ với 12 thành viên tham gia. HTX ra đời đã giúp bà con yên tâm sản xuất, tuân thủ các quy trình sản xuất chè sạch, từ đó xây dựng được sản phẩm chất lượng và ổn định thị trường.
Xác định chè là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, xã Thọ Điền đã hướng dẫn bà con trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời hỗ trợ 14 bộ máy sao sấy để người dân chủ động chế biến tại chỗ.
Từ khi áp dụng kỹ thuật vào sản xuất và chế biến chè an toàn, các hộ dân đã thay đổi về phương thức sản xuất như hái chè búp tươi bằng tay 100%; chuyển phương thức chế biến từ chảo gang thủ công sang chảo quay bằng điện để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài cây cam là nguồn thu nhập chính, xã Thọ Điền đang tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển cây chè. Để cây chè trở thành sản phẩm chủ lực, chính quyền đang tập trung mở rộng diện tích, hỗ trợ giống, cải tạo đất, chuyển giao công nghệ... nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng chè Thọ Điền thành sản phẩm OCOP, từng bước đưa sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ lớn.
Trao đổi với PV Infonet, ông Phan Đăng Nhàn, Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết, chè là sản phẩm thực sự rất tốt, phù hợp với điều kiện vườn đồi của xã nên địa phương đang khuyến khích người dân tăng thêm diện tích.
Thu nhập của người dân đối với cây chè tuy không cao nhưng rất ổn định. Với địa phương, đây là cây xoá đói giảm nghèo thực sự, bởi chè là mặt hàng không khi nào giảm giá, trong khi đó mọi nông sản đều chịu sự tác động của thị trường.
“Mong muốn của địa phương là tạo nên những đồi chè đẹp vừa làm tăng thu nhập cho người dân và thu hút khách du lịch trải nghiệm, từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Nhàn chia sẻ.
Hà Tĩnh: Hương Sơn đề xuất 15 sản phẩm đủ điều kiện công nhận OCOP cấp tỉnh
15 sản phẩm của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đủ điều kiện tham gia OCOP cấp tỉnh đợt 2 năm 2021 đều được huyện đánh giá là những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương.
Trần Hoàn