Hà Tĩnh phấn đấu đạt chuẩn xây dựng NTM vào năm 2025
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Hà Tĩnh đã có 8/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn. Với những kết quả đã đạt được, Hà Tĩnh phấn đấu đạt chuẩn tỉnh NTM vào năm 2025
Thành phố Hà Tĩnh, 1 trong 8 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. |
Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay Hà Tĩnh đã có 171 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 94%), 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 6 huyện đạt chuẩn NTM (Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, Vũ Quang, Cẩm Xuyên), Thị xã Hồng Lĩnh và Thành phố Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Hương Sơn đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định.
Tổng số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 19,6 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 3,51%.
Trên cơ sở đó, Hà Tĩnh xác định, xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quyết định số 2114/QĐ-TTg, ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025".
Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân |
Về lộ trình, phấn đấu cấp xã đến năm 2023 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2024 có 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 18 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đối với cấp huyện, năm 2024 có 100% huyện đạt chuẩn; Thành phố Hà Tĩnh, Thị xã Hồng Lĩnh và Kỳ Anh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 01 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Để đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới vào năm 2025, thời gian tới Hà Tĩnh sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề như sau:
Tạo được sự đồng thuận, nhất quán trong Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh về việc thực hiện Đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới là nhiệm vụ góp phần quan trọng để thực hiện tầm nhìn theo Quy hoạch tỉnh đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19.
Con đường rợp màu hoa tại xã Hương Trà, huyện Hương Khê |
Tiếp tục khơi dậy khát vọng, phát huy tinh thần tự chủ, ý chí tự lực, tự cường và nội lực của người dân; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới.
Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế nông thôn bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các ngành nghề có lợi thế.
Hoàn thiện các tiêu chí cấp tỉnh, trong đó quan tâm ưu tiên phát triển các hạ tầng trọng yếu, đảm bảo kết nối đồng bộ, hài hòa giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp, giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng khó khăn với vùng động lực phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông.
Đường làng thông thoáng, hàng rào xanh đẹp mắt tại xã Gia Phố, huyện Hương Khê |
Tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết của người dân (nước sạch, xử lý môi trường); quan tâm cao chuyển đổi số, kinh tế số, nghiên cứu xây dựng mô hình xã nông thôn mới sinh thái, thông minh, khu dân cư sinh thái, thông minh; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, văn hóa.
Ưu tiên bố trí nguồn lực và huy động xã hội hóa triển khai ứng dụng các nền tảng khoa học, công nghệ hiện đại để phát triển y tế thông minh, giáo dục thông minh, đô thị thông minh, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (Phần này nêu thêm về nhiệm vụ của các Bộ xd mô hình thí điểm tại Hà Tĩnh)
Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở; đổi mới, tạo bước đột phá về công tác cán bộ, nhất là việc điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Hàng rào xanh nhiều năm tuổi tại lang Châu Nội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ |
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đồng thời, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội trong việc xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; kịp thời sơ, tổng kết thực tiễn, bổ sung giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Khơi dậy, phát triển các giá trị chuẩn mực của con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới.
Cổng vào của một hộ dân tại xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn |
Phấn đấu 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Xây dựng 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người/năm (năm 2020 là 35 triệu đồng); tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3%/năm; có ít nhất trên 200 sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 20% số sản phẩm đạt 4 sao, trên 5% số sản phẩm đạt 5 sao.
Tuyến đường đẹp như tranh vẽ tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà |
Có 100% di sản văn hóa - lịch sử của tỉnh được bảo tồn và phát huy hiệu quả; 100% số di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo tồn và phổ biến trong cộng đồng; có từ 1 - 2 di sản trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng Bắc Trung Bộ.
Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân mỗi năm trên 1,5%.
Tối thiểu 95% lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định; trên 80% số hộ gia đình có nước thải sinh hoạt được xử lý bằng các biện pháp phù hợp, trong đó có 35% xử lý theo mô hình khoa học, công nghệ; 55% hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, trong đó ít nhất 50% từ công trình nước sạch tập trung (hiện nay là 19,34%); các nguồn phát sinh ô nhiễm trên địa bàn tỉnh được quản lý theo quy định; tối thiểu 80% hộ gia đình ở nông thôn có nhà vệ sinh tự hoại (việc này có thể đạt cao hơn rất nhiều nếu quyết tâm cao).
Thu hoạch chè tại xã Hương Trà, huyện Hương Khê |
Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tiếp nhận và thụ lý; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt loại khá; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 85%.
Hà Tĩnh: Huyện Vũ Quang đạt chuẩn huyện NTM miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước
Dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của quần chúng nhân dân, Vũ Quang đã trở thành huyện miền núi đầu tiên đạt chuẩn NTM.
Trần Hoàn