Hà Tĩnh: Huyện Vũ Quang đạt chuẩn huyện NTM miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước
Dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của quần chúng nhân dân, Vũ Quang đã trở thành huyện miền núi đầu tiên đạt chuẩn NTM.
Toàn cảnh Phố núi Vũ Quang ngày nay |
Vũ Quang là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập năm 2000, từ những xã vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của 03 huyện (Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ); có diện tích tự nhiên 63.821 ha, cách trung tâm tỉnh lỵ 70km; giáp Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ và huyện Khăm Cợt (tỉnh Bô Ly Khăm Xay - CHDCND Lào).
Huyện có 10 đơn vị hành chính (gồm 9 xã và 1 thị trấn). Dân số toàn huyện năm 2019 có 9.099 hộ với 28.485 nhân khẩu (trong đó, vùng nông thôn có 7.987 hộ/9 xã, 24.624 nhân khẩu); chủ yếu thuộc dân tộc Kinh, ngoài ra có 87 hộ với 337 khẩu người dân tộc Lào Thầng (tại xã Quang Thọ). Trên địa bàn huyện có 271 hộ với 1.392 khẩu công giáo, sinh hoạt tại 1 Giáo xứ và 4 Giáo họ (thuộc 3 xã Quang Thọ, Thọ Điền và Đức Hương).
Địa hình đồi núi chia cắt và nhiều sông suối, địa bàn rộng, mật độ dân số thưa khiến công tác huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương có điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,12 triệu đồng/người/năm. Số tiêu chí bình quân chỉ đạt 2,1 tiêu chí/xã.
Trung tâm hành chính huyện Vũ Quang |
Trước những khó khăn và thách thức, Ban Chỉ đạo luôn xác định chọn việc dễ, đối tượng tích cực làm trước; việc khó, đối tượng khó vận động, khó nguồn lực làm sau. Đặc biệt, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, thực hiện trước của cán bộ, đảng viên, từ đó tuyên truyền, vận động quần chúng, nhân dân hưởng ứng và thực hiện với phương châm “lấy sức dân để làm cho dân”.
Để tạo nên sự xuyên suốt, thống nhất trong chỉ đạo và hành động, huyện đã điều động, tăng cường 12 đồng chí lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện về làm chủ trì tại 8 đơn vị cấp xã gặp khó khăn về công tác cán bộ. Đồng thời phân công các cơ quan, đơn vị cấp huyện nhận đỡ đầu các thôn.
Xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, là mục tiêu, động lực và là điều kiện để kích hoạt sự vào cuộc của nhân dân trong thực hiện 19 tiêu chí còn lại, Ban Chỉ đạo đã đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế để nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, nhất là các sản phẩm có lợi thế như: trồng cam, chăn nuôi lợn, bò, gia cầm....
Hồ thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang có dung tích 775 triệu m3, là hồ chứa nước lớn nhất Hà Tĩnh và là một trong ba hồ chứa nước lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay. |
Không ngừng tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, hiến tài sản, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công, kinh phí xây dựng và nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng. Tập trung hỗ trợ cải tạo vườn tạp, phát triển sản xuất (từ quy mô nhỏ, vừa) để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Bên cạnh đó, khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, liên kết chuỗi giá trị và đặc biệt là, hướng tới xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp bằng các chính sách hỗ trợ xây dựng vườn mẫu, khu dân cư mẫu, cụm dân cư, tuyến đường mẫu.
Ban hành đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ; khuyến khích sử dụng thuốc BTVT, phân bón hữu cơ, vi sinh; sử dụng chế phẩm sinh học, bể Bioga trong chăn nuôi; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo môi trường.
Nhà máy sản xuất gỗ ván ép MDF-HDF có công suất 120.000 m3/năm, gỗ ván thanh công suất 2.400 m3/năm với tổng mức đầu tư hơn 1.440 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gỗ MDF Thanh Thành Đạt làm chủ đầu tư |
Tổ chức các phong trào “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới”, huy động lực lượng của các tổ chức đoàn thể, tạo tinh thần và khí thế trong xây dựng NTM, nhằm khích lệ và huy động sự tham gia đông đảo của Nhân dân.
Công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM được duy trì thường xuyên và hiệu quả. Việc biểu dương, khen thưởng các tập thể, các nhân có đóng góp tiêu biểu trong xây dựng NTM được quan tâm thực hiện, kịp thời khơi dậy, khích lệ và thúc đẩy phong trào thi đua tại các địa phương, đơn vị.
Đến nay, Vũ Quang đã đạt được những thành quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn: đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; an sinh xã hội được đảm bảo; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng và thiết chế nông thôn được đầu tư khá đồng bộ; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả ở xã Thọ Điền |
Từ một huyện huyện biên giới có điểm xuất phát thấp, Vũ Quang đã thành lập được 65 HTX, 78 Doanh nghiệp, 161 THT chăn nuôi lợn, nuôi ong, trồng cam sản xuất theo VietGap liên kết với doanh nghiệp. Xây dựng được 1.845 mô hình sản xuất các loại cho doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên (bình quân hơn 185 mô hình/xã); trong đó: 83 mô hình quy mô lớn cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, 151 mô hình quy mô vừa cho doanh thu từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng và 1.611 mô hình quy mô nhỏ cho doanh thu từ 100-500 triệu đồng/năm.
Điểm nổi bật trong xây dựng NTM tại đây phải kể đến xây dựng đường giao thông. Toàn huyện đã cứng hóa được 908 tuyến đường giao thông đạt chuẩn với tổng chiều dài gần 600 km. Hệ thống thủy lợi, kênh mương tưới tiêu, hồ thủy lợi được đầu tư xây dựng phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, điện chiếu sáng đã kéo về đến tận hộ dân.
Nhà nổi cộng đồng thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh |
Toàn huyện có 30/30 trường đạt chuẩn, là một trong những huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn cao nhất tỉnh. Tiếp tục duy trì 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, 9/10 trạm y tế có bác sỹ làm việc thường xuyên. Công tác Dân số - KHHGĐ đạt kết quả tốt, quy mô dân số ổn định; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hàng năm luôn đạt trên 90%.
Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đến năm 2020 ước đạt gần 3.300 tỷ đồng(đạt 122,44% so với cùng kỳ năm 2019), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,29%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng Nông - Lâm - Thủy sản chiếm 35,7%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 43,85%, Dịch vụ chiếm 20,45%.
Thu nhập bình quân đầu người từ 9,12 triệu đồng/người/năm 2010 tăng lên 39,68 triệu đồng/người/năm/2020; trong đó khu vực nông thôn đạt 39,97 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chung giảm từ 45,85% năm 2010 xuống còn 4,64% cuối năm 2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nông thôn mới vùng nông thôn là 1,38%.
Vũ Quang là huyện miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 |
Đến năm 2020, toàn huyện có 9/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Ân Phú, Đức Giang, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương, Đức Liên, Quang Thọ, Hương Minh, Thọ Điền, trong đó có xã Đức Lĩnh và Ân Phú đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Với những thành tích đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM, Đảng bộ và Nhân dân huyện Vũ Quang đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015” và được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Nghệ An: Huyện Nam Đàn nỗ lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Sau 3 năm thực hiện Đề án thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Trần Hoàn