Hà Tĩnh: Hợp tác xã Nga Hải, đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ
Hợp tác xã (HTX) Nga Hải (địa chỉ tại thôn Thuận Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là mô hình trang trại tổng hợp, với tổng diện tích trên 100 ha, trong đó hơn 90 ha trồng cây lâm nghiệp, còn 10 ha dùng để trồng cây ăn quả, chăn nuôi và du lịch trải nghiệm. Cả 3 loại hình sản xuất này đều được ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có liên kết đầu ra ổn định.
Về lĩnh vực trồng trọt, HTX Nga Hải là cơ sở đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh và Nghệ An triển khai trồng dưa lưới trong nhà màng theo ông nghệ Israel. Thời gian đầu, đơn vị đã thuê hẳn một chuyên gia nông nghiệp người Israel trực tiếp phụ trách kỹ thuật với mức lương 2.000 USD/tháng.
Đến thời điểm hiện tại, HTX Nga Hải có 4 nhà màng chuyên trồng dưa lưới với diện tích 5000m2 (chiếm 1/6 diện tích dưa lưới của toàn huyện). Quá trình chăm sóc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên sản phẩm đảm bảo an toàn. Việc bón phân, tưới nước được thực hiện tự động, cài đặt theo chế độ hẹn giờ nên giảm được chi phí sản xuất.
Nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm dưa lưới của HTX Nga Hải được cấp giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm, được dán tem truy xuất nguồn gốc nên các thị trường lớn như TP Vinh, Hà Nội, Hải Phòng rất ưa chuộng.
Với hình thức liên kết các vùng miền lân cận và mô hình khác, để kết nối vệ tinh, xây dựng thành chuỗi sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh, đến thời điểm thu hoạch, khách hàng sẽ trực tiếp kiểm tra và thu mua tại chỗ. Với 4 nhà màng, mỗi năm cho thu nhập trên 35 tấn quả, giá bán sỉ 35.000 đồng/kg, HTX Nga Hải thu về trên 1,2 tỷ đồng.
Ngoài dưa lưới, trang trại còn có 3ha cây ăn quả, trong đó có 1000 gốc cam Phủ Quỳ đã cho thu hoạch khoảng 8 tấn/mùa và gần 1000 gốc bưởi da xanh chuẩn bị thu hoạch, góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh trồng trọt, HTX Nga Hải còn liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam để chăn nuôi gà và lợn thương phẩm. Với hình thức chăn nuôi liên kết này, phía C.P Việt Nam sẽ cung cấp toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc thú y, cán bộ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra; chủ trang trại chỉ đầu tư hạ tầng, tài sản và nhân công. Khi xuất chuồng, trang trại được trả tiền công nuôi 4.500 đồng/kg (đối với lợn) và 6.000 đồng/kg (đối với gà).
Với quy mô 2000 con lợn/1 lứa (mỗi năm nuôi 2 lứa là 4000 con – PV), mỗi năm HTX Nga Hải xuất chuồng khoảng 450 tấn lợn, tiền nuôi gia công thu về khoảng trên 2 tỷ đồng.
Nuôi gà cũng đưa lại thu nhập đáng kể cho HTX Nga Hải. Với diện tích 3000m2 chuồng trại được lắp đặt điều hoà và chăn nuôi khép kín bằng hệ thống cho ăn tự động, mỗi năm đơn vị nuôi 5 lứa, mỗi lứa 2 vạn con. Tổng trọng lượng gà mỗi năm đạt khoảng trên 300 tấn, sau khi tiêu thụ, đơn vị thu về khoảng 1,8 tỷ đồng.
Du du lịch trải nghiệm là một mô hình được đánh gia cao và từng là nguồn thu nhập chủ lực của trang trại. Với 5 ha diện tích ao hồ, nuôi đủ các loại cá truyền thống như Trắm, Chép, Mè, Trôi, Chim, Rô phi…, mỗi năm HTX Nga Hải thu hoạch khoảng 10 tấn cá các loại với số tiền khoảng 400 triệu đồng.
Thông qua loại hình du lịch trải nghiệm, mỗi năm HTX Nga Hải đón tiếp hàng chục đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là học sinh từ các nhà trường ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại đây, các em được tiếp xúc với thiên nhiên, được trồng cây, bắt cá, tham gia trải nghiệm nhiều nội dung rất bổ ích. Tuy nhiên, thời gian gần đây do dịch Covid-19 nên không triển khai được.
Nhớ lại những ngày đầu khi mới lập nghiệp, ông Lê Văn Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nga Hải cho biết, năm 1986, sau khi rời quân ngũ thì trở về địa phương tham gia hoạt động công tác thôn xóm. Đến năm 1993 thì được giao đất rồi tiến hành xây dựng và phát triển trang trại.
“Thời điểm đó vùng đất Trại Sét này còn hoang hoá, cây dại mọc um tùm, chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập. Ban đầu, nhìn vùng đất hoang vu này tôi cũng chưa xác định được là mình sẽ làm gì và bắt đầu từ đâu. Vợ con thì hoang mang, còn anh em họ hàng thì lắc đầu ngán ngẫm”, ông Bình nhớ lại.
Cũng theo ông Bình, về lĩnh vực nông nghiệp, Nga Hải là HTX tiên phong đi trước, làm thử, thí nghiệm cho huyện, cho tỉnh. Từ dê Bách Thảo, bò lai Sind, cá vợc, cá chình, rô phi đơn tính… Khi mới làm dưa lưới, đơn vị còn thuê chuyên gia người Ixrael về hướng dẫn. Sau khi tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt được công nghệ thì lại đi chuyển giao cho các mô hình tại Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà và Nghi Xuân.
“Tính sản phẩm mà HTX Nga Hải làm ra hàng năm thì rất nhiều. Chỉ riêng doanh thu từ lợn và gà mỗi năm khoảng trên 35 tỷ đồng, trừ chi phí phải được 10 tỷ nhưng rủi ro cũng không nhỏ. Mình nuôi liên kết thì an toàn, tổng thu nhập mỗi năm khoảng 6 tỷ đồng, trừ tất cả mọi chi phí, HTX thu về trên 1 tỷ đồng để tái đầu tư”, ông Bình tâm sự.
Nói về hướng đi trong thời gian tới, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nga Hải mong muốn được chuyển đổi vật nuôi, mở rộng quy mô lên 10.000 con lợn/lứa nhưng không được. Vì thế đầu năm 2023 sẽ mở rộng thêm trang trại gà để nuôi 5 vạn con/lứa theo chủ trương đầu tư.
Gần 30 năm lăn lộn, nếm đủ đắng cay, có những lúc tưởng chừng không thể bước tiếp, nhưng không thể quật ngã ý chí làm giàu của người lính Cụ Hồ. Hiện tại HTX Nga Hải có 30 thành viên, trong đó 15 thành viên góp vốn, còn 15 thành viên khác thì bao tiêu sản phẩm; đảm bảo công việc cho 15 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ, thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Trần Hoàn