“Quả ngọt” từ chuyển đổi số trong Hợp tác xã
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực. Việc ứng dụng công nghệ bước đầu đã đem lại hiệu quả, gặt hái nhiều thành công. Là một trong những đơn vị tiên phong, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn) đã nâng cao sản lượng dưa lưới nhờ chuyển đổi số trong sản xuất.
Anh Nguyễn Quang Anh Kiệt - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, với mô hình dưa lưới sạch, HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới có diện tích 1.200 m2 cùng hệ thống tưới nước, phun sương tự động. Bên trong nhà lưới là môi trường vô trùng, trước khi trồng được khử khuẩn, người ra vào phải thay đồ bảo hộ để ngăn vi khuẩn xâm nhập. Bởi, dưa lưới là loại cây khó trồng, yêu cầu kỹ thuật rất cao từ khâu gieo giống, chăm sóc đến chế độ phân bón khoa học và nhiệt độ phải điều chỉnh theo giai đoạn sinh trưởng.
“Sản phẩm dưa lưới của HTX mang thương hiệu Tân Phong đã đăng ký truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận VietGap. Đến thời điểm này, mỗi tháng, HTX đáp ứng cho thị trường từ 1,6 tấn đến 2 tấn dưa lưới sạch. Mỗi quả có trọng lượng trung bình trên 1,5 kg”, anh Kiệt phấn khởi nói.
Cũng theo anh anh Kiệt, anh vốn kỹ sư cơ năng tại một Công ty cao su. Tuy nhiên, mong muốn xây dựng một mô hình nông nghiệp sạch tại quê hương, cho ra những sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe người dùng nên năm 2020, anh quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp với mô hình dưa lưới sạch công nghệ cao.
Anh Kiệt cho biết, HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn đang phát triển mô hình dưa lưới theo hình thức gối vụ, đảm bảo sản phẩm cung ứng hàng tuần cho thị trường. “Nông sản ở HTX đều được trồng dựa trên tiêu chuẩn VietGap và theo quy trình tự động hóa hoàn toàn. Hầu hết các công đoạn đều thao tác trên ứng dụng của điện thoại thông minh. Ngoài ra, thành công của HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn còn có sự hỗ trợ, quan tâm của Sở, Ban ngành của tỉnh Quảng Nam, huyện Quế Sơn và thị trấn Đông Phú”, anh Kiệt nói và cho hay, HTX sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cũng như hỗ trợ những hộ dân tại địa phương có cùng đam mê. Điển hình là hướng dẫn bà con cải tạo đất, chọn giống, hệ thống tưới tiêu đạt hiệu quả.
Sau thành công của dưa lưới, anh Kiệt cùng các thành viên đã tiến hành trồng rau thủy canh. "Hợp tác xã có 7 thành viên, mỗi người đều được phân công việc cụ thể, như phụ trách sản xuất, quảng cáo, truyền thông, thị trường, phát triển thương hiệu, đánh giá chất lượng người dùng, truy xuất nguồn gốc… Mô hình này đầu tư ban đầu số vốn khá lớn, nhưng sẽ tiết kiệm được nhân công, cũng như kiểm soát hiệu quả các quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng cao", anh Kiệt nói và chia sẻ, việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực, như việc kiểm soát lượng phân bón, nước tưới, nhiệt độ… đều điều khiển bằng điện thoại thông minh. Dù người chủ ở nơi đâu cũng theo dõi, kiểm soát và chăm sóc được khu vườn của mình. Nhân công lao động cũng vì thế mà giảm đáng kể.
Ngoài ra, HTX còn đầu tư mô hình trồng cà chua, dưa leo thủy canh, nghiên cứu trồng rau xứ lạnh trái mùa tại Quảng Nam bằng công nghệ cao. Với tư duy làm nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, cách thức vận hành HTX hiệu quả, HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn đang được kỳ vọng sẽ vươn mình trở thành đơn vị cung ứng rau củ quả sạch, chất lượng cao hàng đầu xứ Quảng.
Để xây dựng các dòng sản phẩm nông nghiệp sạch mang dấu ấn địa phương, chính quyền thị trấn Đông Phú đã đề xuất cho HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn thuê thêm 8 ha đất để phát triển thêm mô hình.
Sơn Tùng