Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ làm giàu nhờ nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo
Trong một lần đến thăm người bạn ở Hải Phòng cùng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, anh Nguyễn Thành Luân (SN 1992, trú thôn 5 xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) bị cuốn hút bởi mô hình trống nấm của gia đình bạn nên quyết định theo học. Trong đó, Luân tâm đắc nhất là trồng nấm đông trùng hạ thảo, bởi mô hình này rất mới mẻ, ở Hà Tĩnh chưa có ai triển khai.
Sau khi trở về, anh Luân tận dụng nhà kho của gia đình để trồng nấm rơm, nấm sò để lấy nguồn thu nhập. Thời gian rỗi, anh dành toàn bộ cho việc nghiên cứu nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo, quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình.
Thời kỳ đầu do vốn liếng không có nên trang thiết bị nuôi trồng hết sức đơn sơ, phải dùng thùng phuy để hấp giá thể, lấy phòng ngủ của gia đình để làm phòng nuôi trồng. Sau 3 năm miệt mài với hàng trăm lần thí nghiệm thất bại, nhiều khi tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, năm 2020, anh Nguyễn Thành Luân đã nghiên cứu thành công cách nuôi trồng loại nấm dược liệu quý này.
Theo anh Nguyễn Thành Luân, quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo gồm có 2 bước, đó là làm giá thể và cấy giống. Nguyên liệu để làm giá thể gồm nhộng tằm, trứng gà, đậu tương và các dưỡng chất được xay nhuyễn, lọc bỏ bã rồi cho nước hỗn hợp vào lọ nhựa có sẵn gạo lứt, sau đó cho vào nồi hấp tiệt trùng khoảng 60 phút với nhiệt độ duy trì 120 độ C.
Quá trình cấy giống cũng gồm 2 công đoạn. Thứ nhất là lấy một mẫu bào tử của cây nấm đông trùng hạ thảo cấy vào môi trường thạch (môi trường ống nghiệm – giống cấp 1). Thứ 2 là khi thấy tơ nấm xuất hiện nhiều thì đem cấy vào môi trường lỏng (giống cấp 2). Khi giống cấp 2 đạt yêu cầu thì đem xịt lên bề mặt giá thể rồi đưa vào phòng ủ tối, duy trì nhiệt độ từ 18 đến 22 độ C.
Sau khoảng từ 7 – 9 ngày, nấm sẽ ăn tơ trắng cả mặt giá thể thì chuyển sang phòng trồng. Tại đây luôn được chiếu sáng và phun sương để giữ độ ẩm, nhiệt độ lúc nào cũng phải duy trì từ 18 đến 22 độ C. Khi nấm phát triển thành cây với chiều cao khoảng 7 - 10cm thì thu hoạch. Chu kỳ sinh trưởng và phát triển của đông trùng hạ thảo vào khoảng 75 ngày.
Hiện tại, cơ sở nuôi trồng đông trùng hạ thảo Thiên Tâm của Nguyễn Thành Luân đã được đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng trên diện tích 200m2, với quy trình khép kín, quy mô 2000 lọ mỗi lứa, gồm đầy đủ các phòng tiếp nhận nguyên liệu, phòng cấy giống, phòng ủ tối, phòng trồng, phòng trưng bày sản phẩm và các trang thiết bị như máy lắc, nồi hấp, điều hòa, giá nuôi…
Theo Nguyễn Thành Luân, đông trùng hạ thảo là loại nấm dược liệu quý hiếm và khó nuôi trồng nhất trong các loại nấm. Đòi hỏi phải đầu tư bài bản, khoa học từ khâu kỹ thuật cho đến môi trường nuôi cấy. Bên cạnh đó còn phải tuân thủ chặt chẽ về thời điểm lấy giống, nhiệt độ, độ ẩm, cách hấp, nhiệt độ hấp, thời gian hấp.
Với quy mô như hiện nay, mỗi năm cơ sở Thiên Tâm sản xuất ra khoảng 10.000 lọ đông trùng hạ thảo với giá 100.000 đồng/1 lọ. Nhờ chất lượng tốt, được khách đánh giá cao nên sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.
Ngoài đông trùng hạ thảo tươi, cơ sở Thiên Tâm còn chế biến thành 2 sản phẩm chính là đông trùng hạ thảo sấy khô và rượu đông trùng hạ thảo. Loại 20gr sấy khô được bán với giá 800.000 đồng (10gr giá 400.000 đồng).
Cuối năm 2021, hai sản phẩm Đông trùng hạ thảo thiên Tâm và Rượu đông trùng hạ thảo thiên Tâm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đặc biệt hơn, gần đây Nguyễn Thành Luân còn vinh dự được BCHTW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của.
Làm giàu trên chính quê hương của mình, anh Nguyễn Thành Luân còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Trần Hoàn