Hà Nội sẽ tăng tỷ lệ phát hiện người mắc bệnh không lây nhiễm
Sở Y tế vừa ban hành Kế hoạch số 5629 vể việc triển khai phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần ngành Y tế Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2025.
Kế hoạch ban hành với mục đích bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố. Hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm. Đồng thời, tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh lý rối loạn sức khỏe tâm thần, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Thành phố đưa ra các mục tiêu cụ thể như nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tăng cường phối hợp liên ngành, hoàn thiện các chính sách về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính để dự phòng mắc các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý điều trị, chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; phát triển, nâng cao năng lực hệ thống để đảm bảo cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; phát triển hệ thống giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ.
Hà Nội phấn đấu có 90% trạm y tế xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; ít nhất 80% người từ 13 tuổi trở lên được truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực phù hợp; ít nhất 80% người từ 40 tuổi trở lên được truyền thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn để biết theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; giảm tỷ lệ uống rượu, bia mức nguy hại ở nam giới từ 18 tuổi trở lên còn dưới 35%; giảm tỷ lệ hiện uống rượu, bia ở người 13 đến 17 tuổi còn dưới 20%; giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 15 tuổi trở lên còn dưới 37%; giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người từ 18 tuổi trở lên còn dưới 7gram/người/ngày; giảm tỷ lệ thiếu vận động thể lực ở người từ 18 tuổi trở lên còn dưới 22%...
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính mỗi năm tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bên cạnh những bệnh nêu trên thì nước ta cũng đang phải giải quyết gánh nặng do các rối loạn tâm thần gây ra. Ước tính khoảng 15% dân số Việt Nam (tương đương 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần. Một vấn đề nữa là trong những năm gần đây, sa sút trí tuệ đang gia tăng nhanh, nhất là ở người cao tuổi. Ước tính năm 2015 Việt Nam có khoảng 660.000 người bị sa sút trí tuệ và dự báo con số này sẽ tăng lên thành 1,2 triệu người vào năm 2030.
Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra năm 2015: tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm 45%; hiện có tới 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với mức khuyến nghị của WHO; khoảng 1/3 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực và tỷ lệ thừa cân béo phì tăng trung bình 1%/năm.
Được biết, Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025 đã được ban hành nhằm tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tiến Quang