Hà Nội phòng chống bệnh đậu mùa khỉ theo tinh thần 'sớm một bước, cao hơn một bước'
Biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng không khác với Covid-19, quan trọng nhất là vệ sinh cá nhân, cách ly người bệnh cũng có thể phòng bệnh lây lan.
Theo báo cáo của WHO, tính đến ngày 12/8, bệnh đậu mùa khỉ đã lan tới 92 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, với hơn 34.000 ca mắc bệnh và 12 trường hợp tử vong. Châu Âu và châu Mỹ là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đáng lo ngại, đến nay một số quốc gia gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.
Trong bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19, Sốt xuất huyết...; để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là “sớm một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện gửi Bộ Y tế, các địa phương về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Thực hiện công điện ngày 1/8 của Thủ tướng về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, UBND Thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 2594/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.
Theo đó, nhằm chủ động kiểm soát, phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn với tinh thần và giải pháp là “Sớm một bước, cao hơn một bước”, UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế theo dõi chặt tình hình dịch, cập nhật kịp thời các hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn uy tín trong và ngoài nước; kịp thời tham mưu UBND thành phố các biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả, kịp thời, phù hợp với tình hình thành phố.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, đặc biệt trú trọng công tác kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Nội bài theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn tuyến trên.
Căn cứ kế hoạch đáp ứng về y tế với bệnh Đậu mùa khỉ tại Việt Nam của Bộ Y tế, tham mưu kế hoạch của thành phố kịp thời, khoa học, phù hợp tình hình dịch bệnh.
Tăng cường giám sát, phát hiện, điều tra, xử lý các ca bệnh, ổ dịch phát (nếu có), không để lan rộng, đảm bảo cơ sở, vật chất phục vụ công tác thu dung, điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong. Ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương.
Ảnh minh hoạ |
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Đảm bảo phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc phù hợp cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt, chỉ đạo thông suốt, quyết liệt, huy động các cấp, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Giám sát chặt chẽ dịch bệnh trong cộng đồng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch, sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh.
Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế đối với các cơ sở y tế trên địa bàn theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, lưu ý khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
Thiết lập đường dây dóng (tại các Trung tâm y tế) nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về đậu mùa khỉ.
Đối với người dân để phòng căn bệnh này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc lây nhiễm bệnh vào trong nước là có thể xảy ra nhưng không cao.
“Cách lây truyền của virus đậu mùa khỉ là qua tiếp xúc gần, virus này không dễ lây lan như Covid-19. Nếu virus SARSCoV-2 lây lan chủ yếu qua đường hô hấp thì đường lây của đậu mùa khỉ qua đường hô hấp lại hạn chế. Vì vậy, chủ yếu lây lan trong vùng các đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh như người nhà hoặc trong bệnh viện, nhân viên y tế chăm sóc người bệnh”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng người dân không nên hoang mang, lo sợ dịch đậu mùa khỉ, tuy nhiên, việc phòng bệnh là rất cần thiết. Biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng không khác với Covid-19, quan trọng nhất là vệ sinh cá nhân, cách ly người bệnh cũng có thể phòng bệnh lây lan.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Người dân cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Với người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Tuy nhiên, từ tháng 5 năm 2022 đến nay dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu, đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, trong khi chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó. Tiếp đó, dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh.
Ngày 23 tháng 7 năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
N. Huyền