Đậu mùa khỉ và Covid-19: Bệnh nào đáng sợ?
Các hạn chế đi lại phòng chống dịch Covid-19 đã gỡ bỏ thì nguy cơ dịch đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.
Nguy cơ xâm nhập
Theo BS Nguyễn Trần Nam – chuyên gia truyền nhiễm, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trước đây bệnh đậu mùa khỉ hiện đang mắc rải rác ở khu vực châu Phi nhưng hiện tại số ca mắc tăng lên và xuất hiện ở một số quốc gia ở châu Âu, Mỹ.
'Số ca mắc từ tháng 3 tới nay tập trung ở Bắc Mỹ và châu Âu. Hiện số ca mắc ở hai khu vực này chiếm 80% trên toàn cầu. Một số nước châu Á, châu Úc cũng có ca bệnh. Đậu mùa khỉ có xuất hiện tại Việt Nam hay không chỉ là vấn đề thời gian', BS Nam cho biết.
Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra.
Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.
BS Nam cho rằng hiện nay các giới hạn đi lại do Covid-19 đã gỡ bỏ nên việc giao thương, du lịch, làm việc khắp nơi trên thế giới thì khả năng bệnh sẽ lây lan rộng hơn.
Tỷ lệ tử vong đậu mùa khỉ không cao nhưng WHO vẫn phải công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì khả năng lây truyền. Hiện chưa có số liệu cụ thể và bằng chứng rõ ràng về phương thức lây truyền.
Qua nghiên cứu sơ bộ người ta thấy đậu mùa khỉ lây truyền bệnh từ người sang người khi có tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Hình ảnh tổn thương do đậu mùa khỉ. |
So sánh Covid-19 và đậu mùa khỉ
Đường lây: Để so sánh đậu mùa khỉ và Covid-19, BS Nam cho rằng, chúng ta đã biết Covid-19 qua 2 năm, đường lây truyền qua tiếp xúc gần, giọt bắn, không khí; nếu che chắn, khẩu trang, sát khuẩn tốt sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.
Nhưng đậu mùa khỉ theo mô tả trước đây bệnh có lây qua giọt bắn nhưng giọt bắn này lớn hơn. Điều đáng ngại là tiếp xúc với bóng nước của bệnh. Thậm chí, có trường hợp chưa tiếp xúc đã lây nhiễm nên vẫn cần nghiên cứu thêm.
Thời gian ủ bệnh: Quãng thời gian ủ bệnh của đậu mùa khỉ dài khoảng 2 đến 3 tuần nên trong thời gian ủ bệnh này chưa rõ lây lan ra sao. Còn Covid-19, thời gian ủ bệnh ngắn hơn lại lây qua đường hô hấp, lây lan nhanh hơn.
Biến chứng và tử vong: Covid-19 trong giai đoạn cấp diễn tiến nặng và tử vong rất cao. Đậu mùa khỉ ở giai đoạn cấp diễn tiến nặng và biến chứng tử vong thấp hơn.
Tuy nhiên, BS Nam cho biết, đến nay người ta vẫn chưa biết “hậu đậu mùa khỉ” sẽ ra sao. Bệnh nhân sau khi khỏi bệnh chỉ để lại những vết sẹo trên da hay còn tiềm ẩn các vấn đề sức khoẻ như thế nào vẫn chưa ai biết.
Vắc xin phòng bệnh: Vắc xin Covid-19 hiện đã được tiêm ngừa phổ biến, được sử dụng trong cộng đồng nhưng vắc xin đậu mùa khỉ không được khuyến cáo tiêm rộng rãi.
BS Nam cho biết vắc xin đậu mùa khỉ vẫn còn hạn chế, người ta chỉ sử dụng trên các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Hiện, nhiều cơ quan y tế cũng khuyến cáo có thể sử dụng vắc xin đậu mùa (cũ) để ngăn ngừa đậu mùa khỉ.
Tuy nhiên, đây là vắc xin không được sử dụng 40 năm nay, dây chuyền sản xuất đã đóng cửa từ lâu, chỉ một số nước tái khởi động lại các dây chuyền này.
Thể không triệu chứng: Người nhiễm virus đậu mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào.
Thể nhẹ: Các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
Thể nặng: Thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,...), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Người bệnh có thể gặp tình trạng nhiễm khuẩn da, với các biểu hiện sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục.
Một số có thể bị viêm phổi (ho, tức ngực, khó thở), viêm não (ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê), nhiễm khuẩn huyết (sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng).
K.Chi