Hà Nội: Lo ngại tăng học phí không giảm lạm thu
Phó GĐ Sở GD & ĐT Lê Ngọc Quang khẳng định tăng học phí sẽ giảm lạm thu |
Báo cáo của Sở GD & ĐT Hà Nội cho thấy, từ tháng 9 – 12.2015, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (trừ các cơ sở giáo dục chất lượng cao) thực hiện thu học phí theo quy định tại Quyết định 22/2012 của UBND TP là 40.000 đồng/tháng/học sinh ở khu vực thành thị (phường, thị trấn) và 20.000 đồng/tháng/học sinh ở khu vực nông thôn (trừ các xã miền núi).
Đây là mức thu thấp nhất trong khung quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP; từ tháng 1.2016, các cơ sở giáo dục này thu học phí theo Quyết đinh 41/2015 của UBND TP tức là mức 60.000 đồng/tháng/học sinh (ở địa bàn thành thị, phường, thị trấn), 30.000 đồng/tháng/học sinh (ở khu vực nông thôn), 8.000 đồng/tháng/học sinh (ở các xã miền núi) – đây là mức thu thấp nhất trong khung quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Với mức thu trên, năm học 2015 – 2016 tổng số thu từ học phí công lập cấp mầm non và phổ thông của TP khoảng 287,519 tỉ đồng (chiếm 6,7% tổng chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp); trong đó các đơn vị sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương, còn lại 60% được sử dụng để chi hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập.
Nói rõ thêm về vấn đề này, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, mức thu học phí của Hà Nội thấp hơn nhiều so với nhiều tỉnh, thành, khu vực trong cả nước.
Cụ thể, mức thu học phí năm học 2015 – 2016 của bốn thành phố trực thuộc trung ương như TP HCM ở khối mẫu giáo khu vực thành thị là 160.000 đồng/tháng/học sinh, nông thôn là 100.000 đồng/tháng/học sinh; khối THCS ở thành thị là 100.000 đồng/tháng/học sinh, nông thôn là 85.000 đồng/tháng/học sinh; THPT ở thành thị là 120.000 đồng/tháng/học sinh, nông thôn là 100.000 đồng/tháng/học sinh.
Trong khi đó, tại TP Đà Nẵng, khối mẫu giáo khu vực thành thị từ 70.000 – 95.000 đồng/tháng/học sinh, ở nông thôn là 35.000 đồng/tháng/học sinh; khối THCS ở thành thị là 50.000 – 60.000 đồng/tháng/học sinh; khối THPT ở thành thị là 55.000 – 70.000 đồng/tháng/học sinh…
Tuy nhiên ở Hà Nội mặc dù là một trong những thành phố có mức thu nhập đầu người cao so với cả nước, đứng thứ ba của cả nước sau TP HCM và Bình Dương. Do đó, TP Hà Nội sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc huy động sự đóng góp của người dân để đầu tư cho giáo dục, nhưng với mức đóng học phí của năm học 2015 – 2016 thì chưa huy động được nguồn lực từ đóng góp của người dân cho giáo dục.
Do đó, Sở GD & ĐT Hà Nội đã đề xuất và được HĐND TP chấp thuận tăng mức học phí từ năm học 2016 – 2017. Cụ thể, học phí cấp mầm non và phổ thông công lập tăng từ 60.000 – 80.000 đồng/tháng (khu vực thành thị), 30.000 – 40.000 đồng/tháng (khu vực nông thôn) và từ 8.000 – 10.000 đồng (khu vực miền núi). Và cũng từ năm học này trở đi học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ KH – ĐT thông báo.
Trả lời câu hỏi của báo giới tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy HN tổ chức, nhiều người cho rằng mức độ tăng học phí của năm học 2016 – 2017 của Hà Nội không cao, nhưng việc tăng này sẽ là khởi phát cho việc tăng lạm thu ở các trường công lập và tăng học phí ở các trường tư thục hay không?, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng Phòng KHTC (Sở GD &ĐT Hà Nội) cho rằng, ở các học phí tại trường tư thục là thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, trong đó chất lượng giáo dục là quan trọng. Học phí phải đi liền với chất lượng, nếu các trường tư thục tăng học phí sẽ khó tuyển sinh, vì vậy khi tăng cần phải cân nhắc.
Bác bỏ thông tin này, ông Lê Ngọc Quang, Phó GĐ Sở GD & ĐT lại khẳng định: việc tăng học phí sẽ góp phần khắc phục được tình trạng lạm thu. Tuy nhiên trên thực tế, đầu những năm học trước cũng có ý kiến của người dân phản ánh về thực trạng lạm thu này mặc dù hằng năm Sở GD-ĐT đều có văn bản quy định về các khoản thu bắt buộc, khoản thu hộ...;
Tới đây, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra giám sát việc thu đầu năm của các trường để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Qua đây, Sở sẽ đề xuất TP cấp ngân sách định mức theo đầu học sinh về cho các trường.