Hà Nội: Huyện Thanh Trì phấn đấu đến 2025 có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao
Theo kế hoạch thực hiện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đặt mục tiêu năm 2025, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện Thanh Trì (Hà Nội) phấn đấu đến 2025 có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. (Ảnh: Thảo Nguyên) |
Theo kế hoạch, huyện Thanh Trì sẽ đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình 04 theo hướng phát triển đô thị gắn với đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì phát triển thành quận; Kinh tế nông thôn phát triển bền vững, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, duy trì vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết chuỗi gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; Nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần của người dân nông thôn.
Thực hiện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, huyện Thanh Trì đặt mục tiêu năm 2025, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Cụ thể, đối với 10 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao xã Liên Ninh (năm 2021); xã Yên Mỹ, xã Duyên Hà (năm 2022); xã Tứ Hiệp, xã Vạn Phúc, xã Đông Mỹ (năm 2023); xã Đại Áng, xã Vĩnh Quỳnh (năm 2024) và xã Ngũ Hiệp, xã Tam Hiệp và khuyến khích các xã còn lại vào năm 2025.
Đối với 5 xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu thì xã Yên Mỹ, xã Duyên Hà sẽ đạt chuẩn vào năm 2023; năm 2024 là xã Vạn Phúc, xã Đông Mỹ và năm 2025 là xã Đại Áng.
Sau khi Trung ương và Thành phố ban hành bộ tiêu chí mới, huyện sẽ điều chỉnh lộ trình thực hiện của các xã để đảm bảo kế hoạch đề ra.
Cũng theo kế hoạch, huyện Thanh Trì đặt tốc độ tăng bình quân tổng giá trị sản xuất trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 là 13,2%/năm; trong đó, thương mại - dịch vụ tăng 23,6%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,6%; nông nghiệp - thủy sản giảm 5,3%.
Đến năm 2025 có từ 50 sản phẩm được Thành phố đánh giá phân hạng đạt 3 sao trở lên. Duy trì, bảo tồn và củng cố hoạt động của 4 làng nghề truyền thống đã được Thành phố công nhận.
Một tuyến đường khang trang, sạch đẹp ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội). (Ảnh: Thảo Nguyên) |
Cùng với đó, huyện Thanh Trì đặt mục tiêu phấn đấu có trên 80% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo 80 - 85%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 95%. Tỷ lệ làng, thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu làng, thôn, tổ dân phố văn hóa 80%. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 90%. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia 82%; phấn đấu hết năm 2025 toàn huyện 10/15 xã có trường học đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2. Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố.
Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động và xây dựng mới có trạm xử lý nước thải 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 45 - 50%, nước thải làng nghề được xử lý 100%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 100%.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, huyện Thanh Trì sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp; phát huy vai trò người đứng đầu.
Cùng với đó, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng phát triển đô thị. Rà soát để điều chỉnh các quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn theo hướng tăng diện tích đất đô thị với mục tiêu là phát triển thương mại, dịch vụ và đầu mối giao thông theo hướng huyện phát triển lên quận.
Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã Vạn Phúc, Yên Mỹ, Duyên Hà, Đông Mỹ, Đại Áng... xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị tại các xã Thanh Liệt, Tân Triều, Tam Hiệp... nhằm phát huy tối đa các công trình, dịch vụ phục vụ dân sinh và sản xuất.
Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, tiếp tục thực hiện đầu tư hoàn thành hệ thống giao thông khung, đường giao thông đô thị trên địa bàn, giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục đầu tư khoảng 53,74 km đường đô thị. Củng cố mạng hệ thống điện, nước đô thị, nâng cao hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Quan tâm phát triển hệ thống trường học các cấp; giai đoạn 2021- 2025 đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 33 dự án trường học; thành lập mới 5 trường học phát triển hệ thống, phấn đấu mỗi cấp học có 1 trường chất lượng cao.
Tập trung đầu tư hoàn thành 17 dự án cây xanh công cộng và 21 dự án kè ao hồ, kết hợp trồng cây xanh, lắp đặt các thiết bị thể dục, thể thao tạo thành điểm vui chơi cộng đồng sáng, xanh, sạch, đẹp. Phối hợp hoàn thành dự án khu tượng niệm danh nhân Chu Văn An đưa vào phục vụ nhân dân; hoàn thành đầu tư xây mới 5 trung tâm văn hóa và 1 sân luyện tập thể thao tại các xã.
Thảo Nguyên