Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng cả số lượng và giá trị
Tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%...
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng cả số lượng và giá trị |
"Những con số về chuyển đổi số ngành ngân hàng được nêu mà cách đây vài ba năm tôi không bao giờ nghĩ đến, đó là tỉ lệ người trưởng thành mở tài khoản ngân hàng đạt 68%".
Đó là chia sẻ của ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN, khi nói về chuyển đổi số ngành ngân hàng. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết: "Ước mơ duy nhất của tôi là đưa tất cả dịch vụ lên mobile và thực tế tăng trưởng trên mobile tới 90%, nhiều ngân hàng đạt giao dịch trên kênh số đạt 90%, giúp tiết giảm chi phí".
Theo ông Dũng, công cuộc chuyển đổi số có tác động tích cực tới tất cả các ngành kinh tế, trong mọi lĩnh vực đời sống. Nhưng để làm chuyển đổi số cần sự hỗ trợ của tất cả các ngành và các lĩnh vực như an ninh bảo mật, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Trong bối cảnh kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng, thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu, cơ sở hạ tầng và công nghệ được chú trọng đầu tư, các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử phát triển mạnh.
NHNN cho biết, đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).
Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Theo NHNN, để thúc đẩy TTKDTM trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, trong đó tiếp tục chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích trên cơ sở ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng; Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, hoạt động thanh toán thường được NHNN, các TCTD ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung chuyển đổi số. Giao dịch thanh toán, vốn chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng, liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân và đóng vai trò "cửa ngõ" để kết nối thuận tiện với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng-tài chính khác như: tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân… và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe, vé xem phim, đặt nhà hàng/tour du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…
“Thực tế thời gian qua hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết: “Năm 2022, Amazon không chỉ đơn giản hoá trải nghiệm mua sắm, săn đơn cho người dùng mà còn tối ưu hoá các công cụ, tính năng để các đối tác bán hàng tận dụng và tối đa doanh thu trong mùa bán hàng tuyệt vời này”.
Theo báo cáo mới công bố gần đây của Amazon về xu hướng xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm. Tại Prime Day năm 2021, gần 67.000 sản phẩm từ doanh nghiệp Việt Nam đã được bán ra chỉ trong 2 ngày.
Tuân Nguyễn