Giãn, hoãn, miễn giảm thuế - đòn bẩy giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh
Sử dụng hiệu quả công cụ tài khoá, tiền tệ
Chia sẻ với phóng viên, ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá, trải qua 2 năm dịch Covid-19, Chính phủ đã sử dụng hiệu quả, linh hoạt nhưng cũng rất thận trọng và an toàn, chuẩn xác chính sách hỗ trợ chống dịch.
“Điều này đem lại kết quả tốt”, ông Cường cho hay.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra những chính sách hỗ trợ chống dịch tuy nhiên sau đó thì rơi vào vòng xoáy lạm phát, suy thoái.
Còn ở Việt Nam, sau thời gian dịch bệnh, nền kinh tế vẫn duy trì tốt. Năm 2020, Việt Nam là nước hiếm có giữ được sự tăng trưởng, năm 2021 tốc độ tăng trường đạt 2,58%. Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn tồn tại, hoạt động được.
“Đáng lưu ý, sang năm 2022, tốc độ phục hồi, tăng trưởng kinh tế cực nhanh. Đến nay đạt được 8.33%. Quý 3 đạt hơn 13%, cao nhất kể từ khi dịch xảy ra”, ông Cường nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang rơi vào lạm phát nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, lạm phát duy trì thấp 2,73%; tỷ giá ổn định, xuất nhập khẩu tăng,…..
“Có được những kết quả này là chứng minh cho việc điều hành chính sách tài khoá tiền tệ của Chính phủ rất khéo léo, linh hoạt và hiệu quả.
Kết quả phòng dịch tốt, duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, người dân không rơi vào trạng thái bỏ lại phía sau kể cả những nhóm người lao động tự do vẫn được hỗ trợ….
Đến nay rất nhiều chính sách đã đạt được mục tiêu. Ví dụ như chính sách về giảm thuế VAT 2%. Đây là chính sách có tác động rất lớn, lan toả đến mọi người tiêu dùng. Đó chính là trợ lực cho chúng ta kiểm soát được lạm phát khi mà giá đầu vào của năm 2022 có xu hướng tăng cao. Việc giảm thuế VAT xuống 2% kéo mức giá xuống”, ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, chính sách giãn, hoãn, miễn giảm thuế… đã giúp các doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn sau thời gian trải qua dịch bệnh.
“Đó là những đòn bẩy tạo giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh, mở rộng phát triển”, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, ông Cường cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế. Chẳng hạn như đầu tư công chưa đạt được các mục tiêu, vẫn còn chậm.
“Chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kiểm soát chính sách tiền tệ cẩn trọng, tránh lạm phát nên mới chỉ hỗ trợ lãi suất chủ yếu hướng vào những khoản đã được vay chứ chưa đáp ứng hết nhu cầu.
Có một số chính sách của chúng ta ban hành sớm nhưng thực thi chậm, đặc biệt những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người lao động, như hỗ trợ nhà ở cho công nhân, không phải được thực hiện ngay từ khi ban hành chính sách nên đến nay mới chỉ được một số đối tượng tiếp cận”, ông Cường thẳng thắn bày tỏ.
Do đó, theo ông Cường thì cái chúng ta cần điều chỉnh hiện nay là điều chỉnh về mặt thủ tục, các ràng buộc… cần phải cải tiến nhiều hơn. Vì đây là chính sách hỗ trợ nên nếu không làm cẩn trọng sẽ không đúng đối tượng, thậm chí rất dễ trục lợi.
Phương thức kiểm soát cũng cần thay đổi, làm thế nào để đơn giản nhưng chuẩn xác, đơn giản nhưng không bị lợi dụng, trục lợi không bị làm sai.
Một điểm nữa về chính sách cũng cần phải đề cập đến, theo đại biểu Hoàng Văn Cường đó là hầu hết chính sách hỗ trợ đến năm 2022 là kết thúc. Đây là thách thức và là gánh nặng đối với các doanh nghiệp khi bước sang năm 2023.
“Theo dự báo, năm 2023 có thể còn đối mặt với nhiều thách thức bởi lẽ thế giới đang rơi vào vòng xoáy có nguy cơ suy thoái, thị trường thu hẹp, các chuỗi cung ứng tiếp tục đứt gãy. Trong bối cảnh ấy doanh nghiệp không được tiếp tục hưởng ưu đãi hỗ trợ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, vì thế có nên kéo dài các chính sách hỗ trợ nữa hay không?”, ông Cường bày tỏ.
N. Huyền