TP Hồ Chí Minh tích cực thực hiện cuộc vận động “"Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" góp phần phục hồi kinh tế sau dịch
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh TP.HCM và nhiều địa phương thực hiện đồng thời hai mục tiêu phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau dịch, việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động càng có ý nghĩa. Bởi trong thời điểm sau dịch, việc phục hồi hoạt động xuất nhập khẩu có thể chưa đầy đủ, quy mô sản xuất chưa được mở rộng tối đa…
Do đó, hoạt động sản xuất trước hết đáp ứng nhu cầu trong nước và tạo đà quan trọng để dần mở rộng quy mô hoạt động. Đồng thời, vào dịp đầu năm mới, nhất là Tết Nhâm Dần 2022, thường nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đó là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cũng là cơ hội để đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động.
TP Hồ Chí Minh tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" |
Để cuộc vận động tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong đời sống, nhất là góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau dịch, cấp ủy, chính quyền các địa phương, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp của Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, làm lan tỏa hơn nữa mục tiêu, ý nghĩa, các mô hình thực hiện cuộc vận động trong nhân dân.
Theo đó Thành phố yêu cầu nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Trong đó, cần đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam. Đồng thời, trong tiêu dùng gia đình, cá nhân, cán bộ, đảng viên cũng phải thể hiện tính gương mẫu thực hiện nhằm góp phần tham gia Cuộc vận động và lan tỏa hành vi, thói quen tích cực đến nhiều người khác.
Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động trong thực hiện cuộc vận động. Tiếp tục khuyến khích, động viên người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt, người dân thành phố ưu tiên sử dụng hàng của thành phố; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam…
Chẳng hạn, thời gian qua, các đơn vị thuộc Đảng ủy Khối Bộ Công thương tại TP.HCM đã chủ động sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong khối; cách thức này nên được mở rộng ở các khối khác.
Đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng... Cần tiếp tục phát huy hiệu quả của các mô hình như CLB Đại sứ hàng Việt, chương trình bán hàng Việt cho công nhân, nông dân, các giải thưởng dành cho hàng Việt Nam chất lượng cao… để góp phần phục vụ người tiêu dùng tốt hơn và làm lan tỏa cuộc vận động đến đông đảo người dân.
Bên cạnh đó, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm… Chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn… Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính trước hiện tượng làm hàng nhái, hàng giả và các tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo hoặc lợi dụng cuộc vận động để thực hiện các hoạt động trái pháp luật.
Ngoài ra, chính quyền thành phố cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nói chung và của TP.HCM nói riêng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao... Đặc biệt, sau dịch, những doanh nghiệp của thành phố tích cực chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng tốt hơn với xu hướng công nghệ số và công tác phòng chống dịch… cần được quan tâm hỗ trợ nhiều hơn, để làm động lực, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác hưởng ứng, từ đó góp phần tăng tính cạnh tranh, giảm giá thành, thúc đẩy tiêu dùng…
H. Anh