Gia tăng bệnh nhân Covid-19, bác sĩ khuyến cáo nâng cao miễn dịch
Số ca Covid-19 nặng điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Thanh Nhàn ở Hà Nội có xu hướng tăng.
Theo bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 7/7 của Bộ Y tế, nước ta có 913 ca Covid-19 mới, bệnh nhân nặng tăng hơn so với ngày 6/7.
Cụ thể, số bệnh nhân đang thở oxy là 35 ca, trong đó 27 ca thở oxy qua mặt nạ, 5 ca thở oxy dòng cao HFNC, 3 ca thở máy xâm lấn. Trong khi số bệnh nhân cần phải thở oxy vào ngày 6/7 là 29 người (21 ca thở oxy qua mặt nạ, 4 ca thở oxy dòng cao HFNC, 4 ca thở máy xâm lấn).
Đáng chú ý, đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở nước ta duy trì ở mức cao trên 900 ca/ngày. Trong khi vào tháng 6, số mắc chững lại ở khoảng 600-700 ca mỗi ngày.
Theo BS. Trần Văn Giang, Phó Trưởng khoa Virus Ký sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt Đới TƯ, so với cùng kỳ tháng trước số bệnh nhân nặng nhập viện gia tăng gấp đôi. Hiện tại khoa đang điều trị cho 60 bệnh nhân nhiễm Covid-19 có bệnh nền.
Bác sĩ mổ cho một sản phụ nhiễm Covid-19. |
Còn tại khoa Hồi Sức tích cực, hiện có 18 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị.
Theo các bác sĩ tại đây, nguyên nhân các ca tăng hơn trước một phần do nhiều cơ sở điều trị Covid-19 đóng cửa dẫn đến việc bệnh nhân dồn về BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại BV Thanh Nhàn cũng ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhập tăng hơn so với thời điểm trước đây.
Hiện tại biến thể phụ của chủng Omicron BA.5 cũng đã xuất hiện tại Hà Nội. Biến thể phụ này được nhận định có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ là BA.1 và BA.2 với khả năng lây lan mạnh hơn.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) số mắc tăng trong thời gian qua là vì giảm miễn dịch do mắc phải hoặc do tiêm vắc xin, người dân chủ quan không áp dụng 5K khi nới lỏng, gia tăng việc đi lại, giao thương...
Vì thế, người nào chưa mắc thì sẽ mắc, trường hợp nào đã mắc lâu hoặc miễn dịch do vắc xin suy giảm thì sẽ nhiễm lại.
Đặc biệt là sự xuất hiện của hai biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 có khả năng thoát miễn dịch. Những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Diễn biến này tại nước ta cũng giống với nhiều nước trên thế giới.
PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng Khoa Y tế công cộng trường Đại học Y Dược TP.HCM, cũng cho biết hiện tại bệnh Covid-19 đã có các biến phể phụ khác. Tuy bệnh không tạo thành làn sóng lớn như trước nhưng nó vẫn có thể lây lan thành dịch nhỏ. Tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3 qua 6 tháng đã nhiều vì vậy người dân cần tiêm thêm vắc xin mũi 4 để bảo vệ mình khỏi Covid-19.
Covid-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, lây qua đường hô hấp nên, PGS Dũng khuyến cáo người dân hết sức cẩn trọng, vẫn duy trì thói quen đeo khẩu trang.
GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết hiện nay việc phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin mũi bổ sung là một yếu tố rất quan trọng. Khi tiêm mũi 3, mũi 4, vắc xin Covid-19 chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể phụ BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng thông tin, theo nghiên cứu, khả năng miễn dịch của vắc xin hay sau khi đã mắc Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 - 6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch sau làn sóng F0 từ hồi quý 1.
K.Chi