Gia đình, nhà trường khắc phục điểm yếu trong xây dựng văn hóa học đường
Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, xây dựng văn hóa học đường cần triển khai phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để chủ động trong định hướng cũng như giáo dục học sinh. Chỉ khi xây dựng tốt mối quan hệ hợp tác, chia sẻ thông tin, kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội thì mới tạo ra được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.
Thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội tại nhiều nơi chưa tích cực, học sinh có khuyết điểm, gặp khó khăn về tâm lý chưa nhận được sự quan tâm và phối kết hợp xử lý từ gia đình cũng như nhà trường.
Ngoài nhà trường thì gia đình có vai trò quan trọng trong sự thúc đẩy tiến bộ của các em học sinh. Vì vậy, phụ huynh phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình giáo dục con cái, loại bỏ quan niệm cho con đến trường là giao phó hoàn toàn trách nhiệm giáo dục cho nhà trường.
Phụ huynh cần thông qua những hành động như chỉnh đốn tác phong, răn dạy điều hay lẽ phải, khuyến khích việc làm tốt, nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa gia đình... để góp phần cùng nhà trường giáo dục con trẻ hình thành nhân cách, đạo đức tốt.
Nhìn nhận về công tác giáo dục văn hóa học đường tại nhà trường hiện nay, ông Thái Văn Thành - Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, một trong những vấn đề gây khó khăn là chính sách cho công tác xây dựng văn hóa học đường chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có người chuyên trách làm công việc này. Ở đa số các cơ sở giáo dục thì nguồn nhân lực cho việc giáo dục văn hóa học đường còn thiếu, chưa có định biên mà chủ yếu kiêm nhiệm.
"Việc kiêm nhiệm từ nhiều nhiệm vụ, hoạt động giáo dục khác nhau kể cả thực hiện nhiệm vụ văn hóa học đường cũng dẫn đến công tác này hoạt động chưa chuyên nghiệp, hiệu quả như chúng ta mong muốn", ông Thành nói.
Theo ông Thành, muốn công tác giáo dục văn hóa học đường phát triển tốt, có hiệu quả thì đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cần được trang bị các kiến thức về việc xây dựng văn hóa học đường, đồng thời chú trọng đổi mới nội dung xây dựng văn hóa học đường theo hướng mở, cùng với đó khi triển khai nội dung cần phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học sinh, sinh viên với các hoạt động xã hội một cách phù hợp, có hiệu quả…
Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền, vận động, phối hợp các lực lượng trên địa bàn, tổ chức giáo dục hỗ trợ học sinh gặp khó khăn cũng như xử lý kịp thời các vi phạm về văn hóa ứng xử, vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn cho đội ngũ giáo viên và học sinh.
Còn theo nhiều chuyên gia khác thì muốn phát huy được hiệu quả của bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường thì không ai khác chính hiệu trưởng cần làm cho giáo viên, học sinh hiểu rõ văn hóa ứng xử, văn hóa nhà trường, tầm nhìn, giá trị của nhà trường. Từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết tới từng người, phù hợp với các điều kiện, thời gian và nguồn lực khác để có thể thực thi được và thực thi một cách có hiệu quả theo đặc thù của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục.
Văn hóa học đường cũng cần xây dựng theo quy trình các bước như tìm hiểu môi trường và các yếu tố ảnh hưởng tới chiến lược phát triển, xác định được giá trị cốt lõi và xây dựng tầm nhìn của nhà trường. Xác định được hệ thống nhiệm vụ, chương trình hành động, hoạt động xây dựng văn hóa học đường. Phải lựa chọn mô hình phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn nhà trường. Cuối cùng là lập kế hoạch phát triển văn hóa nhà trường.
Để thực hiện tốt văn hóa học đường cũng cần có nguồn lực thích hợp, hiệu trưởng cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý và khai thác các nguồn lực khác phục vụ cho việc thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa học đường. Để thực hiện giải pháp này hiệu quả, đòi hỏi hiệu trưởng phải có kỹ năng chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa học đường.
Hoàng Thanh