Gen Z tìm việc: 'Thích là nhích', không ưu tiên công việc ổn định sáng đi tối về!
Cassidy Case, 20 tuổi, sinh viên đại học tại Arizona, Mỹ đang lên kế hoạch chuẩn bị cho mùa tuyển sinh thực tập sắp tới của các công ty ở Mỹ. Cô gái trẻ đang học ngành Marketing, đã có kinh nghiệm làm thực tập ở Circle K nhưng mục tiêu hướng tới là kỳ thực tập vào một vài tháng tới rồi trở thành nhân viên chính thức sau khi tốt nghiệp năm 2024.
Gen Z chính hiệu này chia sẻ rằng bố cô là người luôn nhắc cô phải chủ động trong việc định hình sự nghiệp ngay từ khi còn trẻ. Tuy nhiên, suy nghĩ của cô gái trẻ đang dần thay đổi, linh hoạt hơn và có mối quan tâm khác vì cho rằng suy thoái đang diễn ra, nếu chỉ có một nghề hay chỉ ổn định ở một nơi thì không ổn chút nào.
Theo khảo sát thực tập sinh năm 2022 của Goldman Sachs với hơn 2.470 sinh viên tham gia, 86% cho rằng suy thoái đang xảy ra và những người trẻ phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận nghề nghiệp.
Dưới đây là những xu hướng tư duy mới của GenZ để đối phó với khó khăn suy thoái trong tương lai:
Sẵn sàng dịch chuyển tìm công việc yêu thích
Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, ưu tiên của người trẻ khi nhận công việc mới là họ làm gì, học được gì, đồng nghiệp công ty như thế nào. Yếu tố này thu hút hơn cả so với tiền lương hay cơ hội thăng tiến.
Vì công việc yêu thích, người trẻ sẵn sàng chuyển đổi chỗ ở. Họ tin rằng thành công là sẵn sàng dịch chuyển, không nhất thiết là cố định hay ổn định ở một chỗ. Họ muốn sự linh hoạt trong cách sống và làm việc.
Sarah Wang, 21 tuổi cho biết: "Bây giờ, với tôi mà nói thì công việc là cơ hội để đi du lịch, sống ở nhiều nơi khác nhau trên khắp đất nước. Tôi có thể làm việc ở Seattle trong 2 năm, sau đó đến Bờ Đông để làm, hoặc tìm kiếm một công việc từ xa, sống ở nơi mình cảm thấy thoải mái nhất".
Gen Z sẵn sàng lên kế hoạch cuộc sống, tính toán để làm chủ mọi hoạt động, cũng như tự chủ ngay cả khi làm việc tại nhà. Cuộc sống không nhất thiết ở thành phố lớn, miễn là phù hợp họ sẵn sàng di chuyển đến nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Gen Z học chăm chỉ và làm việc hết mình
Giới trẻ ngày nay chủ động hơn trong việc tìm kiếm những gì họ muốn, họ chia sẻ thẳng thắn với nhà tuyển dụng. Để đạt được điều đó họ tự lên sẵn chiến lược từ việc tìm nơi thực tập đến khi trở thành nhân viên chính thức. Đó là cách Cassidy Case áp dụng.
Cassidy Case nói rõ mục tiêu nghề nghiệp với nhà tuyển dụng và không ngần ngại hỏi rằng công ty có kế hoạch tuyển dụng nhân tài như thế nào trong 2-4 năm tới hay ngân sách của công ty chi trả cho sinh viên thực tập toàn thời gian là bao nhiêu.
Oliver Sims, 21 tuổi, sinh viên học ngành kế toán, Đại học Arkansas, cũng có kế hoạch tỉ mỉ để tìm việc làm vào kỳ nghỉ hè.
Để chuẩn bị cho những khó khăn nếu xảy ra suy thoái trong vài năm nữa, Oliver Sims cho rằng bằng đại học là chưa đủ, sau khi tốt nghiệp anh sẽ học tiếp lên thạc sĩ. Đây cũng là cách đi của nhiều sinh viên để đối phó với khó khăn trong quá trình đi tìm việc sau này.
Nhiều người trẻ cho rằng với một số công việc, ngay từ đầu đã đòi hỏi có kinh nghiệm. Do vậy, để đáp ứng điều kiện này, họ phải vừa học đại học vừa đi làm thêm hoặc thực tập đúng chuyên ngành càng sớm càng tốt.
Lo lắng ngắn hạn, lạc quan dài hạn
Cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai khiến người trẻ khó khăn hơn, không giống như những gì đã xảy ra vào năm 2008. Tuy nhiên, lo lắng ngắn hạn về thị trường việc làm nhưng lạc quan lâu dài về nghề nghiệp và thế giới việc làm là điều khá phổ biến ở các sinh viên Gen Z hiện nay.
Sở dĩ có được tư duy này vì giới trẻ tin tưởng rằng bên cạnh thị trường lao động truyền thống ở các doanh nghiệp, công ty, họ có thêm lựa chọn về những công việc tự do, làm từ xa ngay tại nhà, freelancer.
Sarah Wang, 21 tuổi cho biết: "Trải qua thời gian đại dịch, tôi nhận thấy nhiều điều mới mẻ đã xảy ra. Bạn có thể làm việc từ xa, ngồi ngay tại nhà nhưng làm được cho bất cứ công ty nào ở bất cứ đâu. Các nhà quản lý cũng trở nên linh hoạt hơn trong việc sắp xếp lịch trình, thích ứng với những gì đang diễn ra trong cuộc sống mới của nhân viên. Người sử dụng lao động thông cảm, thấu hiểu hơn hoàn cảnh của nhân viên".
Với sự trỗi dậy của công nghệ, các nền tảng mạng xã hội, công việc sáng tạo có nhiều đất hơn, kiểu công việc làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều không còn là con đường duy nhất hay ưu tiên hàng đầu của Gen Z.
Nếu không tìm được công việc phù hợp với đam mê của mình, người trẻ hoàn toàn có thể tự thiết kế một công việc cho riêng mình. "Với công nghệ trong tầm tay, nếu không có cơ hội, bạn hoàn toàn có thể tự ra công việc cho chính mình", Sarah Wang cho biết.
Hoàng Dung (tổng hợp)