Đồng Nai: Không phát hiện vụ mua bán người nào trong quý II/2020
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trong quý II/2020, tỉnh chưa phát hiện vụ mua bán người nào trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến công tác phòng chống mua bán người, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội; mua bán người, mại dâm, ma túy trong cán bộ, công chức, viên chức, trong các trường học, công nhân lao động và trên địa bàn dân cư với những hình thức, nội dung phong phú đa dạng; tạo nên phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, các loại tệ nạn xã hội đạt hiệu quả. Sở đã tổ chức phối hợp tuyên truyền được 175 cuộc, trong đó có 18.960 lượt người tham dự.
Đồng thời, thực hiện tuyên truyền cổ động bằng nhiều hình ảnh panô - băng rôn, áp phích, cấp phát trên 3.400 tờ rơi với hàng trăm tài liệu các loại. Phổ biến giáo dục pháp luật đợt cao điểm phòng, chống tệ nạn xã hội, thu hút hơn 220.000 lượt đoàn thanh niên và nhân dân tham gia.
Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa mua bán người trên các địa bàn dân cư luôn được chú trọng. |
Sở cũng phối hợp với các ngành, các cấp, các đoàn thể tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa mua bán người trên các địa bàn dân cư; đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người xuất khẩu lao động nhằm nâng cao nhận thức phòng ngừa tại cộng đồng cho các đối tượng có nguy cơ cao. Phổ biến các quy định và luật pháp về phòng, chống mua bán người, cũng như các thủ đoạn của bọn mua bán người để từ đó có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm lợi dụng hoạt động.
Nhờ đó, trong quý 2/2020, chưa phát hiện vụ mua bán người nào.
Sở sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành có liên quan để tổ chức rà soát, thống kê số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, hợp tác xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, số nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài và số trở về địa phương, số nghi bị mua bán để tiếp cận và hỗ trợ nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ pháp lý, tư vấn, y tế, giáo dục, được hỗ trợ điều trị bệnh, dạy nghề, được vay vốn, tạo việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống mua bán người để các ngành, địa phương căn cứ triển khai thực hiện. Đồng thời phối hợp với Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các sở ngành có liên quan và các địa phương triển khai đồng bộ kế hoạch phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.
Chủ động phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát, thống kê số nạn nhân trở về để tiếp cận và có kế hoạch trợ giúp cho các đối tượng được học nghề, vay vốn và giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống buôn bán người trên địa bàn vẫn còn tồn tại do tình hình tội phạm mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, có sự móc nối giữa các đối tượng ở trong nước với đối tượng nước ngoài.
Bên cạnh đó, trình độ nhận thức về pháp luật của một bộ phận quần chúng nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người xuất khẩu lao động còn thấp nên công tác phòng ngừa tệ nạn mua bán người còn gặp nhiều khó khăn.
Cán bộ công tác Lao động - Thương binh và Xã hội ở xã, phường, thị trấn do kiêm nhiệm nên chưa nắm được thông tin kịp thời về nạn nhân bị mua bán trở về cũng như đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán tại địa phương
Cùng với đó, Đồng Nai là tỉnh không có đường biên giới chung với các nước, do đó việc tổ chức hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán trở về trong thời gian xác minh không thực hiện được.
Mặt khác, các đối tượng khi trở về địa phương tự ti, mặc cảm, không khai báo với chính quyền địa phương để được hỗ trợ, giúp đỡ, gia đình đối tượng luôn có hiện tượng bao che, không khai báo hoặc đề nghị giúp đỡ của chính quyền địa phương. Một số đối tượng sau khi trở về địa phương lại tiếp tục bỏ đi nơi khác.
Minh Thư