Đồ chơi bạo lực, độc hại tràn lan thị trường đồ chơi Trung thu
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã phát hiện một kho hàng tập kết số lượng lớn đồ chơi nhập lậu và đồ chơi bạo lực trên địa bàn, bước đầu làm rõ hành vi vi phạm của chủ hàng. Các đồ chơi dạng kiếm bị cấm kinh doanh mua bán.
Trong dịp gần Tết trung thu, các đầu nậu đã nhập hàng rất nhiều về để phục vụ nhu cầu mua đồ chơi của trẻ em. Tại Thạch Thất, Hà Nội, cơ quản lý thị trường Đội quản lý thị trường số 1 của thành phố Hà Nội cũng từng thu giữ rất nhiều sản phẩm đồ chơi bạo lực súng, kiếm. Các loại súng có tiếng động được nhập khẩu khoảng hơn 10 nghìn đồng sau đó những người bán hàng bán tới tay người tiêu dùng với giá hơn 100 nghìn đồng.
Ông Phạm Ngọc Oanh – Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết mỗi năm dịp Tết Trung thu và Tết cổ truyền thì nhu cầu mua đồ ăn và đồ chơi của người dân cao hơn rất nhiều nên các chủ hàng sẽ nhập hàng rất nhiều hàng vận chuyển với nhiều hình thức khác nhau.
Theo quy định đồ chơi phải là mặt hàng có đồ chơi hợp chuẩn, hợp quy nhưng đa số đồ chơi phát hiện đều là ba không không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hoá đơn chứng từ, không có chứng nhận của cơ quan quản lý đã lưu hành trên thị trường. Người nhập hàng đều than thở là chuyến hàng đầu tiên nhập về bán trong dịp Trung thu.
Chủ kho hàng không xuất trình được giấy tờ. Các sản phẩm hàng hoá này sẽ bị tịch thu và người chủ hàng sẽ bị phạt hành chính với mức cao nhất. Tuy nhiên, với thu nhập khủng nhiều người còn bất chấp quy định buôn bán sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và xã hội trước kia đồ chơi trẻ em thường được làm thủ công bằng những vật liệu dễ kiếm, dễ khai thác như đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he, trống cơm...
Ngày nay, khi kinh tế phát triển thay vào những mặt hàng đồ chơi truyền thống là những mặt hàng đồ chơi hiện đại, vui nhộn, hấp dẫn, kiểu cách đa dạng, phong phú, đặc biệt rất phù hợp với thị hiếu của thiếu nhi với giá cả từ rẻ tiền đến cao cấp.
Nhưng hiện nay, đồ chơi trẻ em lại mang tính bạo lực, đồ chơi độc hại ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Có nhiều thống kê cho thấy hiện đồ chơi trẻ em 70 % là Trung Quốc và được bày bán tràn lan.
Theo bác sĩ An việc đồ chơi bị thả trôi như hiện nay thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà có chức năng quản lý đã thờ ơ. Thạc sĩ An cho rằng việc đồ chơi bạo lực, đồ chơi độc hại cho trẻ em hiện nay cần quản lý lại, giao trách nhiệm rõ ràng.
Bác sĩ An cho biết hiện trên 90 % đồ chơi cho trẻ có nguồn gốc từ nước ngoài đa số của Trung Quốc với mẫu mã bắt mắt, linh hoạt nên người tiêu dùng, trẻ em rất thích. Còn đồ chơi Việt thì xấu, ít chức năng, linh hoạt hơn lại đắt hơn nên ít được chào đón. Trẻ con sẽ đòi mua đồ chơi trẻ thích nên sẽ được bày bán nhiều hơn.
Bác sĩ An cho rằng cần tuyên truyền để người dân biết hơn về đồ chơi độc hại nhất là hoá chất trong đồ chơi. Các chất độc hại có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng ngoài các nguy cơ ngộ độc cấp tính thì nó còn có thể ảnh hướng tới các vấn đề sinh sản, ảnh hưởng do nhiễm thuỷ ngân… ngộ độc trường diễn.
BS An cho rằng rõ ràng Việt Nam có quy chuẩn đồ chơi cho trẻ em, các quy định xử phạt hành chính của các cơ quan quản lý về đồ chơi cho trẻ em nhưng đến nay ai kiểm tra, ai thực hiện không làm, xử phạt thì hời hợt nên nó bị bỏ ngỏ. Ông An khẳng định chúng ta cần thiết lập lại trách nhiệm của từng cơ quan đã được giao quản lý để đảm bảo đồ chơi trẻ em trở thành mặt hàng an toàn cho trẻ.
Khánh Chi