Cần phát triển y học lão khoa để chất lượng sống của người cao tuổi tốt hơn
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh – Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết 60 -70% bệnh nhân của BV Thống Nhất là người cao tuổi có những bệnh nhân đã hơn 90 tuổi vào viện với nhiều bệnh nhưng bệnh viện đã điều trị thành công.
Tuy nhiên, không ít người cao tuổi khi thấy bệnh nặng, bệnh nhiều người thân hoặc chính bệnh nhân lại không muốn điều trị mà về nhà sống chung với bệnh tật, chất lượng cuộc sống của người già rất khổ.
Theo PGS Thanh, đặc điểm chung người lớn tuổi khi vào viện mắc đa bệnh lý, suy giảm khả năng đề kháng nên điều trị không chỉ 1 bệnh chính mà cần điều trị bệnh đồng mắc. Người nhà nghĩ rằng để họ êm ả ra đi nhưng với bác sĩ thì phải làm hết mình cứu bệnh nhân.
Có những bệnh nhân 96, 97 tuổi vẫn được cứu sống. PGS Thanh kể trường hợp bệnh nhân 96 tuổi, bố của một bác sĩ bị gãy cổ xương đùi. Bệnh nhân mắc đái tháo đường, thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp. Bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi không đi lại được phải nằm một chỗ. Sau đó có hiện tượng loét tì đè, viêm phổi… gia đình cũng băn khoăn không biết có nên can thiệp cho bệnh nhân hay không.
Bệnh nhân dù rất tuổi cao nhưng lại rất minh mẫn nên bác sĩ đã hội chẩn thay khớp háng cho bệnh nhân. Mổ xong được 1 tuần đến 10 ngày, bệnh nhân đã phục hồi, tập luyện thêm đã tự ngồi được, thay đổi tư thế nên loét tì đè và viêm phổi giảm. Sau đó, bệnh nhân có thể tự chăm sóc bản thân mình không còn cảnh ngồi một chỗ chờ con chăm sóc. Đến nay, bệnh nhân vẫn minh mẫn, chất lượng cuộc sống tốt hơn rất nhiều.
PGS Thanh chứng kiến biết bao nhiêu bệnh nhân là người cao tuổi đến khám nhưng bệnh nặng gia đình lại xin về vì nghĩ “sinh lão bệnh tử” nhưng bác sĩ giải thích điều trị cho bệnh nhân thì sau đó thành công, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tốt lên rất nhiều. PGS Thanh cho rằng trong giai đoạn dân số già như hiện nay thì y học lão khoa cũng phát triển và chúng ta không nên có suy nghĩ già thì không cần điều trị.
Cần phát triển y học lão khoa
PGS Thanh cho biết trong thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước mô hình bệnh tật của chúng ta chủ yếu là bệnh lây nhiễm, bệnh lý đường tiêu hoá nhưng với sự phát triển của xã hội tỷ lệ dân số già hoá cao hơn, tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm tới 11,9% dân số nên giai đoạn già hoá dân số đang đến rất gần. Người ta dự tính đến năm 2036 chúng ta bước vào giai đoạn dân số già khoảng 20% dân số tuổi trên 60.
Cơ cấu bệnh tật đã thay đổi, trước đây tìm người tim mạch và đái tháo đường khó còn hiện tại thì lại rất nhiều tỷ lệ người bệnh tim mạch tăng lên tỷ lệ rất cao chiếm khoảng 20% ở người cao tuổi. Đái tháo đường tăng từ dưới 1% lên 5, 6%. Đây là gánh nặng cho đất nước trong vấn đề chăm sóc và điều trị cho người cao tuổi.
Dự đoán thay đổi cơ cấu bệnh tật, PGS Thanh cho rằng chúng ta phải chuyển sang nguyên lý điều trị y học gia đình. Cần triển khai rộng và sớm y tế cơ sở theo hướng y học gia đình để chăm sóc hợp lý người bệnh, điều trị bài bản nhất. Sau đó, bệnh học của người cao tuổi cần phải phổ biến toàn diện hơn để ngay từ y tế cơ sở đã có điều trị cho người cao tuổi một cách tốt nhất. Nguyên lý điều trị y học lão khoa cần đào tạo bài bản để phát hiện sớm, đầy đủ các bệnh có và đồng mắc trên cơ thể của người bệnh cao tuổi. Điều đó, chúng ta mới chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi.
PGS Thanh cho rằng khi dân số già kéo theo sự lão hoá, lão hoá không từ ai nó chỉ xuất hiện sớm hay muộn. Đây không phải là quá trình bệnh lý nhưng nó là quá trình suy giảm về hình thái, cơ quan, tổ chức tế bào, đề kháng giảm vì vậy người già dễ lây bệnh hơn nên cần làm chậm quá trình lão hoá, tăng khả năng miễn dịch của người cao tuổi cần được quan tâm trong thời gian tới.
Khánh Chi