Đẩy mạnh phòng chống buôn bán người tại biên giới Hà Giang
Hà Giang đang rất nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm nâng cao nhận thức và giúp người dân cảnh giác với thủ đoạn, tội phạm mua bán người.
Là một tỉnh biên giới, các huyện tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc có địa hình hiểm trở, trình độ dân trí còn thấp, tình trạng mua bán người xảy ra hết sức phức tạp. Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người, bắt cóc phụ nữ, trẻ em tại các tỉnh biên giới diễn biến hết sức phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Tình hình tội phạm mua bán người ngày càng có chiều hướng gia tăng, chủ yếu xảy ra ở các huyện vùng cao, biên giới như Hà Giang, Lào Cai với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, manh động và hầu hết các vụ án xảy ra đều có yếu tố người nước ngoài. Nhiều đối tượng lợi dụng sơ hở trong quy định kết hôn với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để lừa gạt đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài bán.
Trong thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Hà Giang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tiến công, trấn áp tội phạm nhằm giảm các vụ mua bán người. Cùng với đó, chỉ đạo các đồn phối hợp chính quyền các huyện biên giới tăng cường tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ thủ đoạn của tội phạm, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác.
Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về phòng, chống tội phạm buôn bán người. |
Từ 2016 đến nay, Bộ đội Biên phòng Hà Giang xây dựng hơn 50 kế hoạch nghiệp vụ điều tra, xác minh các thông tin liên quan tội phạm mua bán người, bắt cóc trẻ em và giải cứu nạn nhân. Qua đó xác lập và đấu tranh thành công 10 chuyên án mua bán người, bắt giữ gần 20 đối tượng phạm tội, giải cứu nhiều phụ nữ.
Tuy nhiên, hoạt động mua bán người trên tuyến biên giới ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do lợi nhuận từ hoạt động này rất lớn. Những kẻ tham gia vào đường dây mua bán người đều là các đối tượng hư hỏng, ham chơi. Nhận thức của phụ nữ trẻ ở vùng cao còn hạn chế nên dễ bị dụ dỗ, lừa gạt. Tại các huyện vùng cao, người dân vẫn sang lao động tự do bên Trung Quốc, dẫn đến nguy cơ nạn nhân trong các vụ án mua bán người rất cao.
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm này, công tác đấu tranh, phòng, chống cần tiếp tục được đẩy mạnh, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đại tá Hoàng Anh Đức - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Giang cho biết: “Qua thực tế về sự dịch chuyển địa bàn hoạt động từ khu vực biên giới vào sâu nội địa của tội phạm mua bán người tại tỉnh Hà Giang cho thấy, nơi nào làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân thì số vụ mua bán người ở nơi đó sẽ giảm.
Do đó, giải pháp quan trọng nhất để giảm tình trạng mua bán người là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, không chỉ ở khu vực biên giới mà cả trong nội địa, nhất là địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa”.
Với mục tiêu chung là giảm nguy cơ bán người, giảm tội phạm mua bán người, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, các ban, ngành của tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, nhằm nâng cao nhận thức và giúp người dân cảnh giác với thủ đoạn, tội phạm mua bán người.
Với hình thức tuyên truyền miệng, kết hợp với phát tờ rơi được trình bày ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ đã giúp người nghe tiếp cận được nhiều thông tin cơ bản, phù hợp với thực tế ở địa phương, trang bị được những kiến thức cơ bản về pháp luật, kỹ năng nhận biết, phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm liên quan đến tội phạm mua bán người. Đồng thời phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở.
Thời gian tới, Hà Giang sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, hạn chế thấp nhất tình trạng người lao động vượt biên sang Trung Quốc làm thuê.
Đồng thời, nhân rộng, phát huy các mô hình an ninh trật tự tại thôn, bản, tổ khu phố nhằm phát hiện kịp thời dấu hiệu phạm tội. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên mở các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm trên tuyến biên giới. Làm tốt công tác phối hợp lực lượng chức năng của Trung Quốc, kịp thời sử dụng các phương thức phối hợp, trao đổi để điều tra, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân.
Hoàng Thanh