Khung hình phạt đối với tội mua bán người
Những người từ đủ 16 tuổi trở lên mà phạm tội buôn bán người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khung hình phạt áp dụng theo số tuổi khi phạm tội và mức độ phạm tội của bị cáo.
Điều 150 BLHS năm 2015 đã mô tả các hành vi khách quan tội mua bán người tương đồng với công ước quốc tế về buôn bán người. Trong đó, buôn bán người có nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách thức sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng thủ đoạn khác như: ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt…
Hành vi chuyển giao người đã hoặc sẽ nhận tiền, lợi ích vật chất vì mục đích bóc lột. Đây là hành vi thể hiện bản chất của tội mua bán người. Trong đó, người chuyển giao người đã hoặc sẽ trả tiền, lợi ích vật chất vì mục đích bóc lột là những người thực hành tội phạm.
Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người là những hành vi coi là buôn bán người nhưng với vai trò là hành vi đồng phạm.
Lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp với mục đích vụ lợi hoặc mục đích bóc lột hay mục đích vô nhân đạo.
Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 150 và Điều 151 của BLHS đã hướng dẫn cụ thể hơn về xác định tội phạm, về tình tiết tăng nặng định khung hình phạt, về truy cứu trách nhiệm hình sự… Có thể nói đó là văn bản có giá trị pháp lý cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có căn cứ để áp dụng khi giải quyết các vụ án về mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi.
Theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Do đó, những người từ đủ 16 tuổi trở lên mà phạm tội buôn bán người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 và tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 BLHS 2015.
Một số tình tiết định khung hình phạt
1. Có tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 150 và điểm a khoản 3 Điều 151 của BLHS là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ và phân công, sắp đặt vai trò của những người cùng thực hiện tội phạm.
2. Vì động cơ đê hèn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 150 và điểm g khoản 2 Điều 151 của BLHS là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội để trả thù; phạm tội để trốn tránh trách nhiệm của bản thân; phạm tội đối với người mà mình mang ơn hoặc những hành vi phạm tội khác thể hiện sự bội bạc, phản trắc. Ví dụ: Nguyễn Văn A mang Nguyễn Thị C (là người yêu của A) đi bán cho người khác sau khi biết C có thai với mình.
3. Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại điểm d khoản 2 Điều 150 và điểm đ khoản 2 Điều 151 của BLHS là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa nạn nhân ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng được coi là đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu đã thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với nạn nhân.
4. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm e khoản 2 Điều 150 và điểm e khoản 2 Điều 151 của BLHS là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Ngày 15-6-2018, Nguyễn Văn A có hành vi mua bán người. Ngày 20-7-2018, A lại có hành vi mua bán người và bị bắt giữ. Cả hai lần phạm tội trên, Nguyễn Văn A đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán người theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 150 của BLHS.
5. Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 150 và điểm b khoản 3 Điều 151 của BLHS là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi làm nguồn sống chính.
6. Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 và điểm d khoản 3 Điều 151 của BLHS là trường hợp người phạm tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi, sau đó đã lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân. Ví dụ: Nguyễn Văn A đã bán Nguyễn Thị C cho Nguyễn Văn B. B đã lấy giác mạc của C.
Ba đối tượng trong đường dây mua bán người ở Thái Bình. |
Khung hình phạt
Khung hình phạt, quy định áp dụng hình phạt đối với đối tượng phạm tội dưới 18 tuổi và từ đủ 18 tuổi trở lên được quy định cụ thể như sau:
Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nấu phạm tội thuộc quy định tại khoản 1.
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì có thể bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm: Có tổ chức; Vì động cơ đê hèn; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước cộng hòa xã hội chũ nghĩa Việt Nam; Đối với từ 02 đến 05 người; Phạm tội 02 lần trở lên.
Trong đó vì động cơ đê hèn là xuất phát từ những động cơ xấu xa, ích kỷ, hèn hạ của người phạm tội.
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân chết hoặc tự sát; Đối với 06 người trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm lưu trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tội phạm dưới 18 tuổi
Theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Theo đó, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Khoản 5, Khoản 6 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Như vậy, khi người dưới 18 tuổi phạm tội mua bán người hay mua bán người dưới 16 tuổi sẽ bị phạt tù có thời hạn mà không bị phạt tù chung thân, không áp dụng hình phạt bổ sung. Người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
P.Liên (tổng hợp)