8 nội dung trọng tâm trong công tác phòng, chống mua bán người năm 2020
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” năm 2020 được Ban Chỉ đạo 389/CP ban hành ngày 8/4/2020, có 8 nội dung công tác trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động hoàn thiện pháp luật theo Kiến nghị số 1526/KN-UBTP14 (ngày 28/9/2018) của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về thực hiện pháp luật phòng, chống mua bán người; rà soát, nghiên cứu sơ kết việc thực hiện các văn bản, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, nhất là liên quan tới công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với đặc điểm, tình hình, phong tục, tập quán của từng địa phương, vùng miền; chú trọng tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hoặc có nguy cơ cao bị mua bán.
Thứ hai, tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ mít – tinh hưởng ứng “Ngày thế giới phòng chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” tại tỉnh Nghệ An vào cuối tháng 7/2020.
Tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, các chiến dịch truyền thông trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống mua bán người, nhất là chiến dịch truyền thông chung giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và Lào.
Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa hiệu quả, duy trì hoạt động và nâng cấp mô hình “Ngôi nhà bình yên” để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, kết nối với các cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cơ sở trợ giúp xã hội trong cả nước để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Duy trì hoạt động và nâng cấp mô hình “Ngôi nhà bình yên” để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. (Ảnh: baotintuc.vn) |
Thứ ba, tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trọng tâm là: Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào định hướng tuyên truyền hàng tháng tại hội nghị giao ban báo chí; phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện tốt công tác truyền thông phòng, chống mua bán người đến từng địa bàn dân cư, trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chú trọng tuyên truyền về các dấu hiệu vi phạm, hình thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; các phương thức phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người.
Chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, tuyên truyền về đường dây nóng phòng, chống mua bán người (qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý) để tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tuyên truyền và phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7”.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin Internet, chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng Internet, viễn thông và mạng xã hội về việc tự bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường mạng, để không bị cá nhân, tổ chức lợi dụng khai thác thông tin, thực hiện việc mua bán người.
Chỉ đạo và khuyến khích các nhà sản xuất, cơ sở in trên toàn quốc từ năm 2021 đưa nội dung thông tin ngày 30/7 hằng năm là “Ngày thế giới phòng chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” in trên hệ thống lịch bloc, lịch tờ treo tường, lịch bàn và các sản phẩm có in lịch.
Thứ tư, lực lượng Công an, chủ công là Cảnh sát hình sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng các các cấp nắm chắc tình hình, tổ chức điều tra cơ bản, xác định đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người; tăng cường lực lượng trên các tuyến, địa bàn trọng điểm… kịp thời phát hiện, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; tập trung triệt xóa, bóc gỡ các đường dây mua bán người; Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân các cấp khẩn trương kết thúc điều tra, đưa các vụ án ra xét xử điểm nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm mua bán người.
Tổ chức cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới từ ngày 01/6 đến ngày 30/11/2020, trọng tâm là hiệp đồng với cơ quan chức năng các nước Tiểu vùng sông Mê – kông kịp thời trao đổi thông tin, điều tra, triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người, lừa đảo hôn nhân xuyên quốc gia, mua bán nội tạng; kịp thời xác minh, xác định, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. |
Thứ năm, triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên, trọng tâm là: Tổ chức các hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 14 (SOM14) các nước khu vực Tiểu vùng sông Mê – kông tổng kết 10 năm thực hiện Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Lào, Trung quốc (2010-2020); Hội nghị thường niên giữa Việt Nam với Thái Lan, Vương quốc Anh về phòng, chống mua bán người.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Myanmar và Malaysia thúc đẩy việc đàm phán tiến tới báo cáo Chính phủ hai nước cho phép ký kết Bản ghi nhớ, Hiệp định hợp tác về phòng, chống mua bán người.
Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, đàm phán ký kết và tổ chức triển khai thực hiện các dự án với các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, cá nhân nước ngoài về phòng, chống mua bán người, phù hợp với quy định của pháp luật mỗ nước; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án được các bộ, ngành và địa phương đã ký kết với các đối tác nước ngoài, trong đó có Dự án “Đấu tranh phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại: Tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ, tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân”.
Thứ sáu, chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại nắm tình hình, kịp thời phát hiện, giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ và đưa nạn nhân bị mua bán nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực về di cư, phòng, chống mua bán người; tiếp tục duy trì kênh thông tin đối ngoại, nhất là với Hoa Kỳ và các nước, tổ chức quốc tế để trao đổi chính xác, kịp thời về kết quả, nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người và đấu tranh với những nhận định còn chưa khách quan, đầy đủ.
Thứ bảy, nghiên cứu khoa học, tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, tập huấn, hội thảo chuyên đề, chuyên sâu nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người, trong đó tập trung vào các tuyến, địa bàn trong điểm và các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua bán người như di cư trái phép ra nước ngoài, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, du lịch, đẻ thuê có tính chất thương mại….
Thứ tám, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
P.Liên