Đẩy mạnh các giải pháp phục hồi sản xuất công nghiệp
Kể từ quý IV/2022, thị trường quốc tế có những diễn biến không thuận lợi: nhu cầu ở các thị trường lớn của Việt Nam sụt giảm, đơn đặt hàng giảm, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng… đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam.
Mặc dù có khó khăn, tốc độ sản xuất công nghiệp tăng chậm lại, nhưng tính chung 11 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,4%), đóng góp 6,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 6,5%, đóng góp 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 24%; Hà Tĩnh giảm 16,9%). Điều đó cho thấy, vẫn có nhiều điểm sáng trong hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng đáng kể.
Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2022 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 31%; sản xuất trang phục tăng 16,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 18,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 10,4%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7%; sản xuất kim loại giảm 2,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 11 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước như: bia các loại tăng 34,9%; ô tô tăng 17,3%; xe máy tăng 10,8%; quần áo mặc thường tăng 8,4%; giầy dép da tăng 9,7%...
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,5 điểm của tháng 9 còn 50,6 điểm trong tháng 10, số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), đơn hàng ít hơn dự kiến khiến các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng từ tháng 10... Do vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cho biết, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/11/2022 tăng 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,9% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% so với tháng 10 và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp ngoài Nhà nước, số lao động giảm 0,1% so với tháng 10 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,6% và tăng 7,9%. Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,1% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,4% và tăng 6,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 0,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2% và tăng 4,3%.
Bộ Công Thương cho rằng, đối với sản xuất công nghiệp, những tháng cuối năm các DN đang đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), DN giảm doanh thu, cắt giảm giờ làm, giảm lao động. Rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn hiện hữu. Do vậy, để phục hồi sản xuất công nghiệp và tiếp tục có thể duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023, Bộ Công Thương cho rằng cần có giải pháp trước mắt và dài hạn. Theo đó, giải pháp trước mắt là tháo gỡ về vốn, khơi thông dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh; kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng… như thời kỳ dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, từng bước thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất với giá cả phù hợp; tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu; tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại để tận dụng ưu đãi gia tăng xuất khẩu khơi thông đầu ra cho sản phẩm công nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất; tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất với giá cả phù hợp; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc các thủ tục xuất nhập khẩu.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kích cầu đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, đồng thời có các giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản để tạo thị trường cho một số ngành hàng như thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải…thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi, phát triển trong năm 2023.
Lưu Trân