Đau đớn học sinh đồng tính bị chính thầy cô giáo kỳ thị
![]() |
V. - một người chuyển giới nam đang theo học tại một trường THPT tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) nghẹn ngào chia sẻ: “Em bị cô giáo chủ nhiệm cho là người lệch lạc. Giờ chủ nhiệm nào, em cũng bị kêu lên bục giảng và bị cô nói trước toàn lớp về điều này.
Có lần em đi vệ sinh thì có nguyên xô nước từ trên trời rơi xuống dội vào người. Những năm cấp hai, những lời đe dọa, miệt thị, bôi nhọ… ở trường học là chuyện thường ngày mà em phải đối diện. Em từng bị giáo viên đuổi ra ngoài vì… không bình thường”.
V. kể, bắt đầu nhận thức bản thân có nhiều điều khác lạ khi học cấp 2. Một thời gian dài, V. bị bạn bè cùng lớp bắt nạt do có biểu hiện khác thường. Chịu không nổi áp lực, V. đã phản kháng và có trận xô xát lớn với các bạn. Hiện giờ, em vẫn đang trải qua những ngày đến trường trong sự sợ hãi, ám ảnh bởi sự kỳ thị của mọi người, trong đó có cả thầy cô giáo.
Bà Nguyễn Lý Hiền Nga, người sáng lập ra tổ chức Women Who Make a Difference chia sẻ, các bạn LGBT bị bạo hành về mặt thể chất lẫn tinh thần có tỉ lệ cao nhất là ở trong môi trường học đường: “Lẽ ra giáo viên phải là người bảo vệ các bạn khỏi bị bắt nạt thì họ lại là một trong những đối tượng bắt nạt các học trò là LGBT”
Bà Trần Thị Phương Nhung, cán bộ quản lý chương trình “Sáng kiến về bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội công bằng hơn” (UNESCO) cung cấp, theo báo cáo nghiên cứu của UNESCO, Bộ GDĐT và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam năm 2015 về LGBT trong trường học thì các em thuộc LGBT cảm thấy không an toàn và hay bị bắt nạt ở những nơi xa văn phòng nhà trường, xa thầy cô giáo, hay khu vực nhà vệ sinh hay bên ngoài nhà trường.
Chủ thể bắt nạt các em có thể là thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên nhà trường, bạn hay kể cả những người bán hàng rong bên ngoài cổng trường. Có thể nói khuôn mẫu giới rập khuôn, những hiểu biết chưa đầy đủ là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự bắt nạt.
Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) là một trong những ngôi trường ít ỏi có sự tôn trọng đối với những học sinh LGBT. Thấy Võ Đức Chỉnh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài giờ học chính khóa, học sinh thường có tiết sinh hoạt dưới cờ, diễn kịch, chia sẻ về cộng đồng LGBT…
Bước đầu thực hiện cũng vấp phải nhiều khó khăn như giáo viên chưa thông hiểu, cơ quan chức năng yêu cầu làm tường trình… Tuy nhiên sau ba năm thực hiện, việc làm này của trường đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực.
Thầy Chỉnh tâm niệm: "Thứ hai trường có yêu cầu mặc đồng phục nên các em LGBT thường trốn khỏi trường vào giờ này. Từ khi tôi cho phép em nào không thích mặc áo dài được quyền mặc áo ngắn thì các em này lại hoạt động rất sôi nổi khiến học sinh trong trường cũng khâm phục.
Ở trường tôi, các em chuyển giới nếu muốn mặc đồng phục như mong muốn thì chỉ cần đăng ký trước. Nếu không quan tâm đến các em học sinh LGBT là có tội với tòa án lương tâm”.
Bà Nguyễn Vân Anh, chuyên viên Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, thừa nhận các văn bản giáo dục chính thống liên quan đến vấn đề LGBT vẫn chưa có. Việc nâng cao nhận thức của giáo viên về vấn đề này hiện nay rất quan trọng. Tháng 10 sắp tới, Cục sẽ triển khai khóa học trực tuyến liên quan về giới, bình đẳng giới cho 200 giáo viên, cán bộ quản lý ở một số trường THCS và THPT tại Huế và TP.HCM.
Theo bà Vân Anh, Cục sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận thông tin để xóa bỏ tình trạng bạo lực học đường liên quan đến giới.
Hiện Cục Nhà giáo đang triển khai thực hiện hai bộ tài liệu trực tuyến gồm tài liệu về quản lý phòng chống bạo lực học đường trên cơ sở giới dành cho giáo viên, nhân viên tư vấn và cán bộ quản lý và tài liệu nâng cao năng lực cho giáo viên THCS và THPT nhằm đến vấn đề về giới, bình đẳng giới và các vấn đề liên quan khác.
Cục sẽ thẩm định để trình lên lãnh đạo Bộ GDĐT về hai bộ tài liệu này và sau đó sẽ công khai trên website của Bộ.
Tình trạng phân biệt đối xử vì là LGBT trong trường học:
- Bị bắt nạt, quấy rầy bởi bạn bè: 53,8%
- Bị bắt nạt, quấy rầy bởi giáo viên, cán bộ nhà trường: 23%
- Bị ép buộc thay đổi đồng phục: 20,4%
- Bị ép buộc thay đổi kiểu tóc, cử chỉ, điệu bộ: 29,3%
(Nghiên cứu Thanh thiếu niên LGBT của tổ chức Save Children và Viện nghiên cứu Y – Xã hội học ISMS tại TPHCM năm 2015)