Đắk Nông đổi mới Hợp tác xã nông nghiệp để hội nhập và phát triển
Bắt tay hợp tác là con đường tất yếu để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững
Đắk Nông có vị trí, khí hậu, đất đai thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, những người đứng đầu địa phương phải có định hướng tập hợp đông đảo nông dân cùng bắt tay xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới để cùng hợp tác và phát triển.
Trước đây đã có nhiều hộ dân, doanh nghiệp ở Đắk Nông từng đột phá để phát triển ngành nông nghiệp nhưng cũng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún và gần như các sản phẩm nông nghiệp đều bấp bênh về đầu ra.
Chính vì vậy trong thời gian qua, tại tỉnh Đắk Nông đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường hỗ trợ thành lập HTX nông nghiệp và được bà con rất ủng hộ.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Đắk Nông có 235 HTX, trong đó 180 HTX nông nghiệp, chiếm trên 80% số HTX của địa phương này.
Các HTX nông nghiệp có tổng vốn điều lệ khoảng 181.650 triệu đồng, thu hút trên 9.260 nông dân trở thành thành viên và tạo việc làm 4.560 lao động.
Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã có 16 HTX có 19 sản phẩm được UBND tỉnh này công nhận đạt OCOP từ hạng 3 sao và 4 sao.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông chia sẻ, hiện nay các HTX nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên, các hộ nông dân.
Theo ông Khải, tại tỉnh Đắk Nông có tới 80% số hộ là nông dân. Vì thế, tập hợp nông dân tham gia HTX để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển theo chuỗi giá trị và bền vững là điều cần thiết. "HTX nông nghiệp muốn phát triển phải hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới như hiện nay mới tồn tại được", ông Khải cho hay.
HTX kiểu mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ
Dù đã có những bước tiến mới trong việc thành lập các HTX nông nghiệp. Tuy nhiên theo thống kê thì trong số 180 HTX nông nghiệp tại tỉnh Đắk Nông chỉ có khoảng 20% HTX hoạt động hiệu quả. Còn lại 80% HTX hoạt động trung bình và yếu, kém.
Tuy số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả chưa nhiều nhưng, ở Đắk Nông đang hình thành và phát triển các mô hình HTX kiểu mới ngày càng rõ nét và bước đầu đã có sự thành công mang lại thu nhập cao cho thành viên HTX.
Thống kê cho thấy toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 29 HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng như cà phê, ca cao, hồ tiêu, lúa gạo, gấc, chanh dây…
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên (huyện Đắk Song) có trên 195 ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế của Nhật Bản, Mỹ, EU.
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên cho biết, HTX thu hút rất nhiều thành viên trong tỉnh Đắk Nông và các tỉnh Tây Nguyên tham gia trồng hồ tiêu hữu cơ.
“Từ đầu năm đến nay, HTX chúng tôi xuất bán hơn 200 tấn hồ tiêu hữu cơ, trong đó xuất khẩu trực tiếp sang Ấn Độ 145 tấn với giá cao hơn nhiều so với giá hồ tiêu sản xuất bình thường trên thị trường nên nông dân rất phấn khởi, yên tâm đầu tư trồng hồ tiêu hữu cơ”, bà Thu cho biết thêm.
Còn ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (Cư Jút) chia sẻ, cách đây gần 20 năm, chúng tôi thấy cây gấc khá thích hợp với vùng Tây Nguyên nên đã trồng thí điểm tại huyện Cư Jút (Đắk Nông) và đã thành công.
Theo ông Định, khi mới vào trồng cây gấc cũng gặp không ít khó khăn vì người dân Tây Nguyên vốn quen trồng các loại cây như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, nên việc đổi mới cây trồng truyền thống là điều tương đối khó khăn.
“Tuy nhiên sau một thời gian thành lập, đến nay HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà đã có hơn 100 hộ dân trồng hơn 100 ha gấc với thu nhập đạt từ 100-200 triệu đồng/năm. Ngoài việc phát triển vùng nguyên liệu thì chúng tôi chế biến trên 15 sản phẩm từ gấc, trong đó chủ yếu là tinh dầu gấc, bún gấc, phở gấc… được thị trường đón nhận”, ông Định vui mừng cho biết..
Trên đây là 2 trong rất nhiều HTX ở Đắk Nông đang phát triển theo mô hình kiểu mới khá hiệu quả . Ngoài ra những HTX như; HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận (Đắk R’lấp), HTX Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô), HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông (Gia Nghĩa).... cũng đang phát triển theo mô hình này và bước đầu có sự thành công nhất định.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT Đắk Nông cho hay, nông nghiệp muốn phát triển bền vững cần tập hợp nông dân vào HTX. HTX nông nghiệp có lợi thế trong việc tập hợp nông dân liên kết sản xuất theo các tiêu chí quy trình kỹ thuật như VietGap, GloballGap, hữu cơ… thuận lợi hơn.
“Khi sản xuất nông sản chất lượng thì các HTX sẽ đầu tư hướng đến chế biến, chế biến sâu, từ đó nâng cao đời sống nông dân và thúc đẩy phát triển HTX, nông nghiệp, nông thôn”, ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Tỉnh Đắk Nông có diện tích tự nhiên trên 650.000 ha, trong đó sản xuất nông nghiệp trên 380.000 ha, chiếm 58,5% diện tích tự nhiên và nông nghiệp là 1 trong 3 ngành kinh tế trụ cột của tỉnh Đắk Nông.
Thanh Nga - Hải Dương