Hợp tác xã – ‘Bà đỡ’ cho bà con miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số
Các HTX khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vừa tạo công ăn việc làm, vừa tạo mối liên kết, hợp tác giữa các hộ thành viên với cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần gia tăng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân vùng cao...
Năm 2010, HTX Thổ cẩm Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) được thành lập. Bà Sầm Thị Bích, Chủ nhiệm HTX Thổ cẩm Hoa Tiến cho biết, trước đây, sản phẩm thổ cẩm được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng.
Sau đó, sản phẩm của làng nghề được nhiều người yêu thích, nên con gái bà là Sầm Thị Tình đã tìm cách quảng bá sản phẩm thổ cẩm Thái với mục đích duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho những người phụ nữ nơi đây
Sản phẩm thổ cẩm Thái của HTX Thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu, Nghệ An). |
Từ những sản phẩm đầu tiên được đưa ra thị trường như ví cầm tay, thú bông, khăn choàng, dép thổ cẩm…. Thay vì chỉ sử dụng thổ cẩm để may áo, váy, chị còn thiết kế ra các sản phẩm phục vụ cho việc trang trí nội thất như tranh, áo, gối…
Không dừng lại ở đó, chị Tình còn mang sản phẩm của HTX giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước thông qua kênh bán hàng truyền thống, hội chợ thương mại, mạng xã hội. Ngoài ra, cô còn là người tìm kiếm và kết nối giữa HTX với các cửa hàng, bảo tàng, các nhà thiết kế trong và ngoài nước… để tạo thêm nhiều đơn hàng, từ đó, tạo thêm thu nhập cho chị em trong HTX, góp phần trang trải cuộc sống.
Vì thế, hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm mang thương hiệu của HTX Thổ cẩm Hoa Tiến đã có mặt ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long… và được bán ở các nước như Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Đức, Ý, Nhật, Lào…
Sau hơn 10 năm hình thành, năm 2007 HTX được huyện Quỳ Châu công nhận là “Làng có nghề” và 2 năm sau, năm 2009 được tỉnh Nghệ An công nhận là “Làng nghề dệt thổ cẩm”.
Từ 1 HTX ban đầu chỉ có rất ít thành viên, sau đó phát triển và có hơn 60 thành viên tham gia. Đến nay, HTX có 150 xã viên với hơn 50 thành viên trồng dâu nuôi tằm. Những người lao động này không chỉ duy trì, lưu giữ những nét đặc trưng riêng của dân tộc Thái mà còn xây dựng nên sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Nghệ An. Theo đó, bình quân thu nhập của chị em lao động trong HTX ngày càng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bản làng.
Từ 1 HTX ban đầu chỉ có rất ít thành viên, sau đó phát triển và hiện HTX Thổ cẩm Hoa Tiễn đã có 150 xã viên giúp nâng cao thu nhập của chị em lao động trong HTX, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bản làng. |
Tại Yên Bái, HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải cũng là một trong số điểm sáng trong phát triển HTX kiểu mới trên địa bàn vùng cao Mù Cang Chải.
Được thành lập từ năm 2018, HTX lựa chọn phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thông qua HTX, người dân liên kết khai thác về điều kiện tự nhiên, sản phẩm chủ lực của địa phương, góp vốn, góp sức để tổ chức sản xuất.
Đến nay, HTX có gần 4 ha rau màu xen canh cây ăn quả theo hướng hữu cơ; chăn nuôi 20 lợn nái. Cùng đó, phối kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao trong nông lâm nghiệp thuộc Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên trồng thử nghiệm 0,3 ha cây dược liệu và bước đầu đã tạo nên mô hình trồng trọt, chăn nuôi khép kín tập trung, tạo ra được một số sản phẩm có giá trị thương mại như: dưa nương của người Mông, quả su su, bí ngô, khoai sọ nương, bắp cải trái vụ… được thị trường ưa chuộng.
Bà Bùi Thị Hồng, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 10 thành viên và nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng; tạo trên 1.000 ngày công lao động thời vụ cho đồng bào Mông trên địa bàn với mức thu nhập 200.000 đồng/công, góp phần tích cực trong xóa đói, giảm nghèo tại địa phương”.
Các thành viên tham gia HTX cho biết, nhờ tham gia vào HTX nên được chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật để chăm sóc rau theo đúng quy trình sản xuất, được thu mua sản phẩm với giá tương đối cao và ổn định. Theo đó, mỗi năm sản xuất 3 vụ, với hàng nghìn m2 đất ruộng của các gia đình, mỗi gia đình thu nhập được hàng chục triệu đồng/năm. Có thu nhập, nhiều gia đình đã thoát nghèo, lại có điều kiện để mua sắm xe máy, tivi….
Vùng nguyên liệu dong riềng của HTX miến đao Giới Phiên. |
Nhắc đến làng nghề miến đao Giới Phiên ở Yên Bái có 64 hộ, tuy nhiên, bà con chủ yếu sản xuất miến theo mô hình tự phát, nhỏ lẻ nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, do đó, thu nhập cũng chưa tương xứng.
Năm 2015, HTX miến đao Giới Phiên được thành lập với 10 thành viên đã đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ, thành viên hoạt động có tổ chức, sản lượng tăng lên gấp nhiều lần, đời sống thành viên HTX cũng được cải thiện.
Ngay từ khi thành lập, HTX định hướng các thành viên sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất và chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX hình thành vùng nguyên liệu dong riềng ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, Yên Bái với quy trình trồng và chăm sóc tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Từ khi xây dựng được thương hiệu, trung bình mỗi năm HTX xuất bán gần 100 tấn miến đao ra thị trường, trong đó chinh phục được những thị trường "khó tính" như hệ thống siêu thị Big C ở miền Bắc trên 20 tấn/năm, hệ thống nhà phân phối rộng khắp các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…
Giám đốc HTX Phạm Thị Thu Hà cho biết, trong 5 năm tới HTX phấn đấu mỗi năm gia tăng 5 thành viên và mở rộng thị trường thêm 5 tỉnh, liên kết với bà con ở Mù Căng Chải, Trạm Tấu mở rộng vùng nguyên liệu.
Gia đình anh Trần Ngọc Tuấn ở thôn Ngòi Đong, xã Giới Phiên, là thành viên của HTX, trung bình một năm, gia đình anh sản xuất được khoảng 8 tấn miến, toàn bộ xuất bán cho HTX với giá cao hơn thị trường từ 3 - 4 giá.
Hải Yến
Hợp tác xã 'bắt tay' doanh nghiệp liên kết thị trường, 'xây' thương hiệu nâng tầm sản phẩm nông sản
Những năm gần đây, 1 số HTX nông nghiệp của Hải Dương đã "bắt tay" hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế bao tiêu sản phẩm cho người dân vừa tạo doanh thu lợi nhuận vừa mang lại hiệu quả cao, nhất là những sản phẩm thế mạnh.