Hợp tác xã OCOP xây dựng thương hiệu sản phẩm
Kể từ khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhiều hợp tác xã (HTX) đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng cơ sở, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhều sản phẩm của HTX được xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao...
Các HTX ở Quảng Nam ngày càng năng động hơn với cơ chế thị trường, tự chủ trong tổ chức hoạt động và có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới.
HTX ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. |
Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Quảng Nam, tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 459 HTX. Sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, các HTX đã từng bước ổn định tổ chức bộ máy, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp; tổ chức các hoạt động sản xuất doanh theo phương án mới và đã mang lại hiệu quả…
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các HTX có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn thời kỳ hội nhập.
Ðặc biệt, trong những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế tập thể, HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả; hoạt động được nâng cao, với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.
Bên cạnh đó, có không ít HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, góp phần nâng cao đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Đơn cửa như HTX nông nghiệp Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc).
Ông Trương Cảm, Giám đốc HTX nông nghiệp Ái Nghĩa, cho biết, những năm trước, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương chưa thực sự phát huy tiềm năng thế mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu, thu nhập và đời sống của người nông dân trong sản xuất còn thấp, nhỏ lẻ. Sản phẩm chủ yếu là xuất thô, đầu ra không ổn định và thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, tự cung, tự cấp.
Ngoài ra, việc sản xuất còn mang tính tự phát, sản xuất thủ công, chưa đảm bảo về chất lượng sản phẩm, nhất là chưa có đơn vị nào tập trung xây dựng thương hiệu, định hướng phát triển sản phẩm để tạo đầu ra, tạo niềm tin đối với khách hàng.
“Xuất phát từ những vấn đề trên, HTX nông nghiệp Ái Nghĩa đã nhìn thấy thế mạnh của việc xây dựng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nên mạnh dạn đầu tư, xây dựng cơ sở, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Các công đoạn trong sản xuất được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả thông qua quy trình kiểm tra từ nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm một cách bên vững”, ông Cảm nói.
Ngay khi thành công với “Bánh tráng Đại Lộc”, HTX Ái Nghĩa tiếp tục xây dựng thương hiệu cho gạo an toàn. |
HTX nông nghiệp Ái Nghĩa đã xây dựng thương hiệu và hoàn thiện sản phẩm “Bánh tráng Đại Lộc”. Ngoài đem lại thu nhập cho các thành viên, HTX đã mở ra các hoạt động ngành nghề xây dựng chuỗi sản xuất từ cây lúa, sản xuất gắn với tiêu thụ. Từ thành công đó, ngay sau khi “Bánh tráng Đại Lộc” được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2018, đơn vị tiếp tục bắt tay vào việc xây dựng gạo an toàn. Đến cuối năm 2019, “Gạo an toàn Ái Nghĩa” đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Cũng trong năm đó, “Bánh tráng Đại Lộc” đã được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh trong top sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc.
Ông Cảm chia sẻ, HTX bao tiêu 100% sản phẩm cho thành viên từ đầu vào đến đầu ra. Đồng thời, với mục tiêu tổ chức tiêu thụ nông sản cho thành viên, tránh tư thương ép giá. HTX cũng quy hoạch vùng sản xuất gạo an toàn, sử dụng lưu lượng phân vô cơ và chế phẩm, sinh học cho phép, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp Ái Nghĩa còn tổ chức liên kết sản xuất với các HTX trong huyện thu mua, chế biến, tiêu thụ hàng trăm tấn lúa cho người nông dân với giá cả bảo đảm.
“Chúng tôi còn tập trung phát triển các dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, vừa đáp ứng cơ bản nhu cầu của thành viên và người dân, vừa tạo điều kiện tốt cho kinh tế hộ phát triển, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh theo hướng tập trung với quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, mang lại niềm vui cho nhà nông…”, ông Cảm chia sẻ.
Thống kê của Sở NN&PTNT về thực hiện đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (chương trình OCOP) tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030”, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 209 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 70 sản phẩm do HTX, THT làm chủ thể.
Tuy nhiên trên thực tế, việc sản xuất của HTX, nhất là THT còn nhỏ lẻ, trình độ, kiến thức quản trị có giới hạn, chưa thích ứng với cơ chế thị trường. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất không nhiều, sản xuất bán thủ công, thủ công còn khá phổ biến. Không ít đơn vị chưa quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lâu dài cho sản xuất sản phẩm đã được công nhận. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP còn yếu, thiếu chuyên nghiệp.
Để khắc phục vấn đề này, Liên minh HTX tỉnh mới đây đã tham mưu UBND tỉnh về việc vận động thành lập mô hình điểm HTX OCOP tỉnh Quảng Nam trong năm 2021.
Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam Võ Bảy cho biết, mục đích thành lập HTX OCOP tỉnh Quảng Nam là liên kết các THT, HTX, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP cùng nhau hợp tác, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến để nâng cấp và phát triển các sản phẩm. Tập trung hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP của các chủ thể tham gia thành viên HTX OCOP cấp tỉnh theo hướng liên kết chuỗi, hợp tác liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ để gia tăng giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Hồ Ca