Đà Nẵng thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, bệnh viện
Năm 2022, mục tiêu của Đà Nẵng là 100% trường học, cơ sở giáo dục và 100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác.
Mục tiêu trong năm 2022, 100% trường học, cơ sở giáo dục và 100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP Đà Nẵng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh minh họa) |
Theo Kế hoạch số 136/KH-UBND UBND TP Đà Nẵng mới ban hành về Thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, mục tiêu trong năm 2022, 100% trường học, cơ sở giáo dục và 100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP Đà Nẵng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác; Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục đạt 25% và trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn đạt 30%; 50% trường học, cơ sở giáo dục và 50% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ.
Mục tiêu đến năm 2025, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn đạt 75%; 100% trường học, cơ sở giáo dục và 100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số; 100% bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám, chữa bệnh; 100% trường học, cơ sở giáo dục triển khai dạy và học trực tuyến, áp dụng tối thiểu 20% nội dung chương trình đào tạo; 100% trường triển khai tuyển sinh trực tuyến đầu cấp dựa trên dữ liệu số.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế, các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các trường học, cơ sở giáo dục phối hợp với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để chấp nhận thanh toán học phí và phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Được triển khai từ năm 2020, Bệnh viện Đà Nẵng hiện là cơ sở y tế đi đầu trên địa bàn thành phố trong việc triển khai các biện pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung, cho biết, hiện nay bệnh viện đang triển khai cùng lúc nhiều giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như sử dụng thẻ ATM, VISA, MASTER; thanh toán qua ví điện tử; sử dụng mã QR; thanh toán qua thẻ khám bệnh thông minh của bệnh viện.
Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân, bệnh nhân đến khám chữa bệnh rút ngắn thời gian, không mất thời gian xếp hàng chờ thành toán, đồng thời thúc đẩy cải cách hành chính trong bệnh viện, hạn chế rủi ro, mất cắp cho người nhà.
Ngoài ra, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, hiện bệnh viện kết hợp với các ngân hàng triển khai các thẻ khám bệnh thông minh cho người bệnh. Đây được đánh giá là giải pháp tối ưu, hướng tới xây dựng bệnh án điện tử cho người bệnh theo lộ trình của Bộ Y tế.
Không riêng gì Bệnh viện Đà Nẵng, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố cũng đang đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Tại các Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu, phương thức sử dụng thẻ ATM, VISA, MASTER và ví điện tử đang được triển khai.
Cụ thể, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng lắp đặt máy POS từ năm 2012, Bệnh viện Gia Đình đã lắp đặt máy POS ngay từ những ngày đầu thành lập bệnh viện (cuối năm 2013)… Tại Bệnh viện Gia Đình, đến nay có khoảng 15 máy POS để đáp ứng nhu cầu thanh toán viện phí bằng các loại thẻ của bệnh nhân và người nhà, trung bình mỗi tầng khám ngoại trú có ít nhất 2-3 máy POS tại các quầy lễ tân.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt được thực hiện theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; đồng thời thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BYT của Bộ Y tế ngày 2/10/2019 về việc đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.
Hoạt động này mang lại nhiều lợi ích và là xu thế tất yếu. Với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi khám, chữa bệnh, dịch vụ này hỗ trợ rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh, hạn chế tối đa các giao dịch tiếp xúc, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Về phía NHNN, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng, ông Võ Minh cho biết: NHNN chi nhánh Đà Nẵng đã làm đầu mối phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, chi nhánh các NHTM trên địa bàn thực hiện lắp đặt POS và xây dựng hệ thống thanh toán điện tử phù hợp tại các trường học, các cơ sở y tế; chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Nguyễn Hải