Thị trường bất động sản Đà Nẵng trầm lắng, giá bắt đầu giảm, dần quay về giá trị thật
Rầm rộ rao bán cắt lỗ
Sau 'đỉnh' sốt vào quý 2/2019, rồi giảm chạm đáy lúc Covid-19 bùng phát, giá đất ở Đà Nẵng đã tăng trở lại vào quý 2/2022 khi dịch Covid được kiểm soát. Tuy nhiên hiện tại thị trường bất động sản Đà Nẵng lại rơi vào trầm lắng, khó khăn.
Đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tăng nhanh, leo thang từng ngày khiến thị trường bất động sản càng khó khăn hơn, giá bắt đầu giảm, xuất hiện nhiều lô cắt lỗ sâu.
Nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản nay đứng trước áp lực, phải chấp nhận bán lỗ, giảm giá để thoát hàng, trả nợ.
Trên các diễn đàn, các trang mua bán nhà đất, thông tin rao bán cắt lỗ xuất hiện dày đặc với những lời giới thiệu như “cần tiền bán gấp”, “bán nhanh trả nợ”, “cần tiền bán rẻ”, “cắt lỗ bán nhanh”, “cắt lỗ trả nợ ngân hàng”…
Đơn cử một lô đất diện tích 100m2 khu Nam Hoà Xuân, cách đây vài tháng có giá 3,3 tỷ đồng, nay bán cắt lỗ giá chỉ 2,8 tỷ đồng.
Lô đất cũng 100m2, nằm ở khu dân cư phía Nam cầu Cẩm Lệ được rao bán giá hơn 2,4 tỷ đồng kèm thông tin rao “gấp gấp, chủ sụp hầm nặng cần bán nhanh để trả nợ”.
Hay một căn nhà ở quận Hải Châu diện tích 5x10m, 4 tầng, tặng nội thất, đang rao bán nhanh trong tuần, cắt lỗ 500 triệu còn gần 4 tỷ đồng, có thương lượng thêm.
Theo chị Tuyết- môi giới đăng thông tin, đây là giá sập sàn, cơ hội cho khách mua được nhà đẹp giá rẻ ngay trung tâm quận.
Anh Chính, một môi giới bất động sản tại Đà Nẵng xác nhận, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang diễn ra tình trạng bán cắt lỗ.
Khu vực Nam Hoà Xuân vốn có tính thanh khoản cao nhưng đang có biến động mạnh về giá. Sau một thời gian giữ giá đi ngang, hiện tại mặt bằng giá giảm. Gần đây có một số lô bán cắt lỗ sâu về mức giá chỉ 2,8-2,9 tỷ đồng/lô. Hay có những lô cách đây mấy tháng giá 4,1-4,2 tỷ nhưng hiện giảm về mức 3,5-3,49 tỷ đồng/lô.
Mặc dù chủ đầu tư chấp nhận cắt lỗ nhưng anh Chính cho biết, chỉ có những lô hướng đẹp, nằm ở vị trí đẹp mới có người hỏi mua. Còn lô vị trí xấu, dính trụ, dính cống… thì cắt lỗ cũng không bán được.
“Tính thanh khoản hiện nay rất thấp vì nhà đầu tư nắm tiền mặt có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng và vẫn theo dõi, chờ đợi thị trường có mức giá tốt hơn mới xuống tiền. Thời điểm này chỉ có số ít những người có tiền, thích mảnh đất đẹp nào đó từ lâu thì nay họ mới mua.
Mua đợt này chỉ có lợi là chọn được vị trí thích, còn về lỗ lãi thì xác định mua giờ là chôn vốn. Năm nay với tình hình vĩ mô nhiều biến đổi, sẽ phá vỡ quy luật giá đất nền Đà Nẵng đã tồn tại trong nhiều năm qua là tăng vào trước và sau Tết âm lịch”, anh Chính nhận định.
Mặc dù thị trường xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ nhưng anh Chính cho biết, nó không xảy ra ồ ạt, đại trà mà chỉ xảy ra ở các khu vực cách xa trung tâm và những nhóm nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, vay nợ. Còn những nhà đầu tư có vốn thực thì họ vẫn ôm hàng, chờ đợi thị trường phục hồi.
“Nhiều môi giới đăng tin rao bán cắt lỗ rầm rộ nhưng có nhiều trường hợp đăng thông tin để hút khách, để có khách vào hỏi lấy thông tin”, anh Chính nói.
Không phải là hiện tượng phổ biến
Đánh giá tình hình thị trường bất động sản Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản cho biết, như tình hình chung của thị trường bất động sản cả nước, dưới tác động của chính sách tiền tệ, sự “khủng hoảng niềm tin” trên thị trường tài chính, trái phiếu, chứng khoán đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản Đà Nẵng.
Ngoài ra, đây là thời điểm mà thị trường du lịch và cả thị trường bất động sản rơi vào mùa thấp điểm nhất trong năm do yếu tố thời tiết. Tác động từ cú sốc do mưa bão và trận ngập lịch sử vừa qua càng làm cho thị trường thêm phần khó khăn.
Thanh khoản trên thị trường suy giảm nghiêm trọng ở nhiều phân khúc khác nhau, tuy nhiên mức giảm giá so với nhiều địa phương khác là còn thấp. Từ mốc đỉnh tháng 5 đến nay, giá cả ở phân khúc đất nền phổ biến giảm bình quân 10% - 15%, cũng có trường hợp giảm sâu hơn nhưng không phổ biến. Nhà ở trung tâm ít chịu tác động hơn, tỷ lệ giảm giá ít hơn, thanh khoản vẫn thấp.
Theo ông Lập, tâm lý lo lắng là trạng thái chung trên thị trường và việc điều chỉnh theo hướng suy giảm là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trên nhiều trang, nhóm hiện nay không thiếu những người lợi dụng điều này nhằm gây tác động hoang mang cho thị trường và hi vọng vào một cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản để thu lợi cho họ.
“Vẫn có nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nên cần phải giảm giá sâu hơn mặt bằng chung để giải quyết vấn đề thanh khoản nhưng đây không phải là hiện tượng phổ biến. Nhiều môi giới, nhà đầu tư lấy thông tin đó để truyền thông và gây sức ép giảm giá cho thị trường nhưng chưa có nhiều tác dụng bởi lẽ hầu hết các sản phẩm bất động sản tại thị trường Đà Nẵng đã chuẩn chỉnh về pháp lý, hạ tầng đã khá hoàn chỉnh, nhiều dự án đã có tỷ lệ lấp đầy dân cư cao nên giá cả sát giá trị thật. Nguồn cung bất động sản rất khan hiếm nên các nhà tạo lập không còn nhiều áp lực để “bơm thổi giá bán” để thúc đẩy khâu bán hàng nên giá nhìn chung ổn định quanh giá trị của bất động sản”, ông Lập cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Lập, trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhiều thông tin tiêu cực, giá cả đang đà suy giảm và lãi suất đang chiều hướng tăng sẽ tạo áp lực cho người bán. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi hoặc những người có nhu cầu thật với nguồn tiền có sẵn. Họ có thể chờ đợi hoặc chủ động săn tìm các sản phẩm của những nhà đầu tư cần thanh khoản sớm, tâm lý hoang mang và sẵn sàng bán lại bất động sản với giá thấp thực sự.
Diệu Thuỳ