Con gái đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên: Quyền thừa kế được định đoạt ra sao?
Các con chỉ được thừa kế khi nào?
Trao đổi với phóng viên đằng sau vụ việc con gái mua xăng về phóng hoả đốt nhà mẹ vì phân chia tài sản không đều gây chấn động dư luận những ngày qua, TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết đây là vụ việc rất đau lòng. Dưới góc độ pháp lý thì quyền sử dụng đất có thể là tài sản riêng của cá nhân, tài sản chung của hai vợ chồng hoặc tài sản chung của hộ gia đình.
Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình với nhau thì cần xác định nguồn gốc và quá trình sử dụng đất đó như thế nào để xác định thửa đất có tranh chấp đó là tài sản của cá nhân, của hai vợ chồng hay là tài sản chung của hộ gia đình.
Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tài sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng. Tài sản có được do được tặng cho chung, thừa kế chung là tài sản chung vợ chồng, tài sản có nguồn gốc là tài sản riêng nhưng được nhập vào thành tài sản chung thì cũng là tài sản chung vợ chồng. Đối với tài sản chung vợ chồng thì vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản.
Khi hai vợ chồng còn sống thì các con không có quyền đòi phân chia tài sản chung vợ chồng bởi theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu tài sản (cha mẹ) mới có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản.
Các con chỉ có quyền đối với tài sản của cha mẹ nếu như cha mẹ qua đời mà tài sản vẫn chưa được định đoạt cho người khác. Những người con có thể được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đối với di sản do cha mẹ để lại.
Trong trường hợp cha, mẹ có tài sản chung nhưng khi sinh sống đã tặng cho, chuyển nhượng hết cho người khác, đến lúc chết không còn tài sản (di sản) nữa thì các con cũng không còn quyền thừa kế.
Trường hợp cha mẹ có di chúc là sau khi chết, tài sản thuộc về các con theo di chúc hoặc không có di chúc thì các con sẽ được hưởng thừa kế theo quy định pháp luật.
Con trai, con gái được chia phần như nhau
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình, các con là các thành viên của hộ gia đình thì cũng có quyền yêu cầu chia tài sản chung của hộ gia đình.
Theo quy định của pháp luật thì quyền sử dụng đất là tài sản chung hợp nhất có thể phân chia. Bởi vậy nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì hai vợ chồng có quyền chia khối tài sản này.
Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình thì các thành viên trong hộ gia đình cũng có quyền yêu cầu phân chia theo quy định pháp luật.
“Trong vụ việc tranh chấp về quyền sử dụng đất ở Hưng Yên dẫn đến những đứa con đổ xăng đốt nhà thì cần phải làm rõ quyền sử dụng đất tranh chấp là tài sản chung của hộ gia đình hay là tài sản chung của bố mẹ những người đó.
Căn cứ để xác định tài sản của ai sẽ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất hoặc các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai”, luật sư Đặng Văn Cường thông tin.
Thông thường đất nông nghiệp sẽ là tài sản chung của hộ gia đình còn nếu là đất thổ cư thì chỉ là tài sản chung của hộ gia đình nếu có quyết định giao đất cho hộ gia đình hoặc gia đình cùng khai hoang, sử dụng ổn định được nhà nước công nhận cho cả hộ. Còn nếu đất do hai vợ chồng tạo lập, nhận chuyển nhượng, được tặng cho, được thừa kế thì sẽ là tài sản chung của hai vợ chồng.
Nếu các thửa đất đó là tài sản chung của bố mẹ thì các con không có quyền yêu cầu chia đối với tài sản này. Trường hợp ông bố đã chết mà không để lại di chúc thì khi đó các con mới có quyền yêu cầu chia thừa kế theo quy định pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì con trai, con gái, con nuôi, con đẻ đều có quyền thừa kế theo pháp luật như nhau.
Cụ thể Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền thừa kế như sau:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".
“Như vậy, theo quy định của pháp luật thì những người là con đẻ, con nuôi của người chết đều được hưởng thừa kế như nhau không phân biệt là con gái hay con trai. Bởi vậy trong trường hợp cha mẹ để lại di sản thừa kế thì các con trai, con gái đều được phân chia tài sản như nhau”, luật sư Đặng Văn Cường kết luận.
Trong vụ việc ở Hưng Yên, luật sư cho rằng nếu hai vợ chồng có tài sản chung và người chồng đã chết mà không để lại di chúc thì các con gái cũng có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế do người cha để lại.
Với tài sản chung vợ chồng thì mỗi người sẽ được quyền sở hữu một nửa. Trong trường hợp người chồng qua đời không để lại di chúc thì một nửa khối tài sản chung vợ chồng đó sẽ được chia thừa kế cho hàng thừa kế thứ nhất bao gồm cha, mẹ của người chết, vợ của người chết và các con của người chết.
Bởi vậy, ba người con gái trong vụ việc nêu trên chỉ có quyền yêu cầu chia quyền sử dụng đất trong hai trường hợp: 1) Quyền sử dụng đất và tài sản chung của hộ gia đình và những người con gái là những thành viên trong hộ gia đình. 2) Quyền sử dụng đất là tài sản chung của cha mẹ nhưng người cha đã chết và không để lại di chúc thì các con có quyền yêu cầu lấy một nửa khối tài sản đó ra để xác định là di sản thừa kế do cha để lại không có di chúc và yêu cầu chia thừa kế theo quy định pháp luật.
Thủ tục chia thừa kế là các bên có thể thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thuận được thì có thể gửi đơn đến UBND cấp xã để được hòa giải theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hòa giải không thành thì có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết tranh chấp về thừa kế theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự.
Pháp luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm tài sản, tính mạng
Luật sư Đặng Văn Cường cũng nhấn mạnh, pháp luật nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, tài sản, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác khi có tranh chấp mâu thuẫn về tài sản.
Trong vụ việc này nếu có tranh chấp về thừa kế hoặc tranh chấp về tài sản chung của hộ gia đình mà các đương sự không thể giải quyết được, UBND cấp xã đã hòa giải nhưng không thành thì chỉ có một cách hợp pháp và duy nhất là một trong các bên khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
“Trường hợp những người con giải quyết bằng vũ lực, sử dụng xăng để đốt nhà nhằm gây áp lực hoặc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của những người khác trong gia đình thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về tội giết người quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự, khi đó có khi không còn cơ hội để trở về mà nhận đất”, Luật sư Đặng Văn Cường cảnh báo.
Theo luật sư, trong thời gian qua có không ít những vụ việc án mạng do tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình, giữa anh em với nhau, giữa con và cha mẹ...
Để giảm thiểu những vụ án mạng từ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình thì phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân.
Đặc biệt, cần phải đề cao yếu tố giáo dục đạo đức để những chuẩn mực đạo đức chi phối mối quan hệ trong gia đình, để con cái tôn trọng cha mẹ, anh em quý mến lẫn nhau, sẽ giảm thiểu những mâu thuẫn tranh chấp trong gia đình liên quan đến tài sản.
Khi những mâu thuẫn tranh chấp phát sinh thì cần phải được giải quyết có tình có lý, đúng pháp luật. Trước tiên cần có những người có uy tín trong gia đình, trong cộng đồng để phân tích hóa giải làm cho tranh chấp không phát sinh nghiêm trọng và sớm được giải quyết.
Trong trường hợp gia đình, họ hàng không thể giải quyết được thì có thể gửi đơn đến UBND cấp xã phường để được hoà giải theo thủ tục hòa giải cơ sở. Trường hợp hòa giải vẫn không thành thì chính quyền địa phương cần giải thích, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các đương sự gửi đơn đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Khi nhận được hồ sơ khởi kiện thì tòa án cũng phải tạo điều kiện để thụ lý hồ sơ, phải xem xét giải quyết và hòa giải khuyên can các bên, tránh để những mâu thuẫn xung đột trở nên trầm trọng hơn.
Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, chia thừa kế theo pháp luật trong các trường hợp sau đây: - Không có di chúc; - Di chúc không hợp pháp; - Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; - Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 650 của Bộ luật Dân sự 2015, khi chia thừa kế theo di chúc, vẫn có thể chia thừa kế theo pháp luật trong các trường hợp sau đây: - Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; - Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; - Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. |
N. Huyền