Khởi tố vụ 3 con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ: 3 con có thể phạm tội gì, án phạt ra sao?
Ngày 4/11, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người quy định tại Điều 123, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) vụ con gái mang xăng đến phóng hỏa nhà mẹ.
Theo cơ quan công an, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản (chia quyền thừa kế đất), khoảng 9 giờ 30 phút ngày 30/10, 3 con gái của bà Vũ Thị Đều (SN 1961, ở thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) gồm: Đỗ Thị Định (SN 1982, ở thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên); Đỗ Thị Điểm (SN 1988, ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và Đỗ Thị Đưa (SN 1990, ở phường Nhân Hoà, Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) mang theo 1 can xăng loại 10 lít đến nhà bà Vũ Thị Đều rồi đổ xăng xuống nền nhà bà Đều rồi châm lửa đốt.
Hậu quả, bà Đều và 3 cô con gái của bà đều bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50.000.000 đồng.
Trao đổi với PV Infonet về vụ án, luật sư Phàn A Thương - Công ty Luật TNHH Tâm Anh (Hà Nội) cho biết: “Trong sự việc này, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ chứng minh việc đổ xăng lên nhà nhằm mục đích giết người thì 3 người con có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất lên tới 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
“Hành vi đổ xăng lên nền nhà và châm lửa hoàn toàn có thể dẫn đến cháy nhà, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, đặc biệt có thể dẫn đến chết người, bởi xăng là chất cháy nguy hiểm, khi đốt có khả năng gây cháy nổ và lan nhanh, khó có thể dập tắt.
Cả 3 người con đủ khả năng nhận thức được hành vi đốt xăng trong nhà là nguy hiểm và nhận thức rõ, thấy trước được hậu quả có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn thực hiện.
Như vậy, nếu đủ căn cứ thì cả 3 người con cùng bị truy cứu về một tội danh Giết người Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, trong vụ án này, cơ quan chức năng cần điều tra và xem xét vai trò đồng phạm của những người con tham gia đốt vào nền nhà của mẹ đẻ để xem xét mức hình phạt thích đáng ”, luật sư Phàn A Thương phân tích.
Từ vụ án này, luật sư Phàn A Thương cũng khuyến cáo: “Khi gặp những trường hợp phân chia di sản thừa kế phức tạp, không có sự đồng thuận phân chia của những người được hưởng di sản thừa kế thì mọi người nên bình tĩnh và thực hiện theo các quy định của pháp luật để khai nhận và phân chia di sản thừa kế... Còn trường hợp không thỏa thuận được việc phân chia có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra như vụ việc trên”.
Sông Yên