Vụ 3 con gái đốt nhà mẹ đẻ: Điển hình suy thoái đạo đức, thấy rõ độ vênh giữa Lệ và Luật!
Trao đổi với Infonet dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hoá- xã hội sau vụ việc rúng động 3 con gái mua xăng về đốt nhà mẹ đẻ do mâu thuẫn chia đất đai ở Hưng Yên, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, những chuyện mâu thuẫn gia đình như anh em sát hại nhau hay giờ là con gái đổ xăng phóng hỏa liên quan đến đất đai đã không còn quá hiếm. Điều này chỉ ra thực trạng đạo đức xã hội bị suy đồi, suy thoái, con người đề cao giá trị vật chất một cách đáng báo động.
Nguyên nhân của thực trạng trên theo PGS.TS Lê Quý Đức là do có sự thay đổi trong kinh tế- xã hội (kinh tế thị trường, công nghiệp hoá- hiện đại hoá đô thị hoá nhanh) khiến cho đất đai ở những vùng nông thôn trở nên có giá trị cao hơn. “Vì thế, người ta nghĩ đến việc phải chia chác với nhau. Có khi chỉ vì một cái bờ rào cũng có thể dẫn đến án mạng”, PGS.TS Lê Quý Đức dẫn chứng.
Nguyên nhân thứ hai là sự chuyển biến giữa lệ và luật ở nước ta hiện nay chưa theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội. Ở nhiều vùng nông thôn người ta vẫn nghĩ con gái đi lấy chồng thì không được chia tài sản, không được kế thừa tài sản của cha mẹ. Trong khi luật đã quy định con trai, con gái đều được quyền thừa kế tài sản như nhau.
“Chính vì tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nên tài sản chỉ dành cho con trai mà không chia cho con gái. Con gái đi lấy chồng là đi không, nhà nào quý lắm mới cho một số gọi là của hồi môn. Vì vậy có sự vênh giữa quan niệm xã hội với luật pháp dẫn đến những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình.
Bố mẹ thì vẫn sống theo quan niệm cũ trọng nam khinh nữ hoặc họ cũng không biết rằng đó là trọng nam khinh nữ mà mặc nhiên cho rằng con trai thì có quyền kế thừa còn con gái thì không. Những ông bố bà mẹ không hiểu hết về mặt luật pháp mà họ chỉ thực hiện theo luật tục”, PGS. TS Lê Quý Đức cho hay.
Nguyên nhân thứ 3 được PGS. TS Lê Quý Đức chỉ ra đó là vấn đề đạo đức. Ở phía cha mẹ, một số người đã coi thường các con mình, coi thường con gái hoặc thiên vị với người con này mà bất công với người con khác. Trong khi đó con cái thì lại quá đề cao lợi ích vật chất, nghĩ bố mẹ đã không công bằng nên đang tâm đối xử quá đáng, tàn nhẫn với bố mẹ hoặc anh em ruột của mình.
PGS. TS Lê Quý Đức nói thêm về vụ việc đáng buồn ở Hưng Yên: “Theo phương diện truyền thống, con cái có thể hi sinh cho bố mẹ nhưng ở đây con gái lại đi đốt nhà mẹ. Đó là sự tàn bạo, dã man không thể tưởng tượng. Theo tôi có nhiều nguyên nhân nhưng nếu đứng về phương diện đạo đức có lỗi ở cả hai phía gồm những người làm cha mẹ và những đứa con”.
Điều PGS. TS Lê Quý Đức day dứt hơn cả là khi đạo đức suy giảm thì còn có luật pháp nhưng gia đình này lại không đưa ra pháp luật xử lý, họ đã bất chấp cả luật pháp.
"Một người bạn của tôi ở gần nơi xảy ra vụ việc đau lòng này kể lại, vài chục năm trước chưa mở đường, chưa đô thị hoá thì đất đai tại đây chưa có giá. Bây giờ khu vực gần vành đai 4 của Hà Nội, đất lên giá nên nhiều nhà cũng rơi vào cảnh chia đất như thế. Người bạn ấy nói vợ mình cũng được chia một ít, chẳng đáng là bao nhưng thôi thì chịu thiệt một chút để tình cảm gia đình êm ấm. Đấy là những gia đình họ biết san sẻ, còn những người con gái này thì không. Rất đau lòng!”, PGS. TS Lê Quý Đức chia sẻ.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về vụ việc trên, ông Đức phán đoán cách giáo dục, chăm sóc, dạy dỗ các con trưởng thành trong gia đình của người mẹ ấy cũng chưa tốt. Ông tin rằng, nếu gia đình có truyền thống giáo dục tình thương, tình yêu, lẽ phải, gắn kết, đùm bọc với nhau thì các thành viên trong gia đình có lẽ không xử sự dã man, thiếu tình người như thế.
N. Huyền