Cơ hội vàng để Việt Nam thu hút làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài
Trong đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/12/2022 ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký...
Đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,88 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,78 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư.
Tính lũy kế đến ngày 20/12/2022, cả nước có 36.278 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên gần 438,7tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 274 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Nhằm thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam, năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và một số tổ chức quốc tế, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giai đoạn sau đại dịch Covid-19, thu hút FDI vào Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới.
Với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà đầu tư.
Hơn nữa, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước. Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Và với sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư-kinh doanh của Việt Nam ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.
Đặc biệt, với lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân có tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn, đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam có cơ hội đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam.
Những năm gần đây, trung bình hằng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35%-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Vốn FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70-80% tổng vốn đăng ký ở lĩnh vực này của cả nước.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…
Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế như: Phú Mỹ 3, Viglacera, Trường Hải, Becamex, Sonadezi, Kinh Bắc…
Ngân Giang