Đắk Nông: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tỉnh ủy Đắk Nông đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, trên 95% số hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đảm bảo 100% trục đường liên xã được cứng hóa...
Nhiều khó khăn khi xây dựng nông thôn mới
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 200.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm tỉ lệ gần 31% dân số). Trong đó, có 8.128 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 17,18% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Trong những năm qua, vùng đồng bào DTTS đã được sự quan tâm, ưu ái của Đảng và Nhà nước, nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, cơ sở hạ tầng, văn hoá, giáo dục đều được đầu tư, phát triển. Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng thiết yếu, như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nhà văn hoá... được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá…
Mặc dù điều kiện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển, đời sống người dân từng bước được cải thiện nhưng vẫn là vùng khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh Đắk Nông.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông, đời sống kinh tế của bà con đồng bào DTTS còn nhiều thiếu thốn, thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS ở nhiều nơi chỉ bằng 40 - 50% thu nhập của địa phương; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, gấp khoảng 2 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh Đắk Nông.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục, y tế, trình độ dân trí ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Ngoài ra, điều kiện cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) của vùng đồng bào DTTS còn thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh Đắk Nông. Hơn thế, đa số bà con sống tập trung ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn dẫn đến điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, thiếu kiến thức và hạn chế về thông tin. Nguồn lực để phát triển kinh tế hộ, nhất là diện tích đất sản xuất hộ gia đình ngày càng giảm, vốn để tái đầu tư sản xuất không nhiều; trình độ lao động có kiến thức phổ thông, tay nghề còn hạn chế.
Tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Quyết tâm thu hẹp khoảng cách
Trong báo cáo cuối năm 2021 gửi các đơn vị liên quan, Tỉnh ủy Đắk Nông đã đưa ra nhiều giải pháp, mục tiêu để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, Tỉnh ủy Đắk Nông yêu cầu các đơn vị liên quan cần đầu tư vào vùng đồng bào DTTS một cách có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện để bà con phát huy được nội lực nhằm tự lực vươn lên cải thiện rõ rệt đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Đắk Nông lưu ý cần phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS; nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Đồng thời, giải quyết cơ bản các vấn đề về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất, nước sạch, điện sinh hoạt của các hộ DTTS, hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Tỉnh ủy Đắk Nông đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS tăng trên 1,5 lần so với cuối năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3% trở lên, xóa nhà tạm bợ dột nát cho 60% số hộ DTTS nghèo.
Đến năm 2025, đảm bảo 100% trục đường liên xã được cứng hóa đạt chuẩn kỹ thuật theo quy định trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, 100% số trường, lớp học và trạm Y tế được xây dựng kiên cố. Trên 95% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. Trên 95% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Khoảng 90 - 95% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; các xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, internet đến các thôn, bon, buôn.
Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ từ 99% trở lên, học sinh trong độ tuổi học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%; Trên 55% lao động là người đồng bào DTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS…
Đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Cư Jút dệt thổ cẩm, tăng gia sản xuất. |
Tỉnh ủy Đắk Nông cũng lưu ý, cần phát huy vai trò của người có uy tín, người cốt cán ở cơ sở, già làng, trưởng bon, dòng họ, hộ gia đình làm ăn giàu có trong công tác tuyên truyền, tham quan, học tập, nêu gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS, nhằm thay đổi phương thức sản xuất, tập quán sinh hoạt để tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kết nghĩa giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang đối với các buôn, bon, bản đồng bào dân tộc thiểu số. Không ngừng đổi mới cách thức hoạt động theo hướng tăng cường trao đổi, hướng dẫn để chính mỗi hộ gia đình tự vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương.
Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS. Đầu tư phát triển các thôn, bon, buôn, bản có đông đồng bào DTTS nhằm hoàn thiện việc xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, trung tâm các xã, thôn, bon, buôn, bản; đảm bảo các công trình điện, đường, trường, trạm,... gắn với sắp xếp, quy hoạch ổn định dân cư.
Trần Nhân