Chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý gì?
Theo TS. BS Phạm Quang Thái, tâm lý thoải mái của cha mẹ đối với tiêm chủng cũng rất quan trọng vì tâm lý lo sợ có thể lan truyền đến trẻ.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Theo đó, Thủ đô sẽ triển khai tiêm đồng loạt cho trẻ em trên địa bàn, nhóm dưới 12 tuổi sẽ tiêm trước, sau đó hạ dần theo tiến độ cung ứng vắc xin.
Sở Y tế thống kê khoảng một triệu trẻ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm chủng trong đợt này. Thành phố lập danh sách trẻ cần tiêm chủng, sau đó tiêm ngay khi được phân bổ vắc xin.
Tương tự, ngày 4/4, UBND TP HCM cũng có kế hoạch tiêm chủng cho nhóm trẻ 5-12 tuổi. Dự kiến 898.537 trẻ cần tiêm đợt này, trong đó, 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học. Thành phố sẽ tổ chức tiêm ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin và dự kiến hoàn thành trước tháng 9.
Trẻ đi học tiêm tại trường hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương quyết định, còn trẻ không đi học tiêm tại điểm tiêm cố định hoặc lưu động. Riêng trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện được tiêm ngay tại bệnh viện, kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác.
Chiều 5/4, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết lô vắc xin đầu tiên dự kiến về Việt Nam vào ngày 10/5, số lượng khoảng 2,3 triệu liều vắc xin Moderna.
Ảnh minh hoạ |
Vắc xin Pfizer và vắc xin Moderna dành cho trẻ em đã được Bộ Y tế chấp thuận lần lượt vào ngày 1/3 và 31/3. Trong đó, vắc xin Pfizer dành cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg vắc xin; vắc xin Moderna dành cho trẻ 6-11 tuổi, mỗi liều 0,25 ml chứa 50 mcg vắc xin mRNA. Hai vắc xin này đều có liệu trình hai liều tiêm.
Câu hỏi hiện được nhiều phụ huynh quan tâm hiện nay là cần chuẩn bị gì khi con đi tiêm vắc xin?
Trả lời câu hỏi này, TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc cho biết, các bậc phụ huynh không nên quá căng thẳng mà cần tạo tâm lý thoải mái cho trẻ trước khi tiêm và theo dõi thật sát sau tiêm chủng.
Theo đó, để tránh tâm lý lo sợ của trẻ, các bậc phụ huynh nên nói rõ về lợi ích của việc tiêm vắc xin, giữ cho trẻ có tâm lý thoải mái, tự nguyện tiêm và sinh hoạt như bình thường.
Vào buổi tiêm chủng, trẻ nên ăn nhẹ trước khi đi tiêm, uống đủ nước, mặc quần áo thoải mái để tiêm chủng thuận lợi.
Trên thực tế, thời gian qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng ghi nhận nhiều học sinh bị phản ứng sau tiêm. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nguyên nhân phần lớn do tâm lý của trẻ và phản ứng lo lắng dây chuyền.
“Vì vậy, tâm lý thoải mái của cha mẹ đối với tiêm chủng cũng rất quan trọng vì tâm lý lo sợ có thể lan truyền đến trẻ. Tốt nhất, cha mẹ nên trao đổi với trẻ về quá trình tiêm, các phản ứng phụ có thể gặp, thời gian theo dõi... Tại điểm tiêm, nếu được ở cạnh các cháu, cha mẹ nên trấn an để trẻ không có phản ứng lo lắng quá mức khi tiêm", bác sĩ Thái nói.
Ngoài việc tạo tâm lý thoải mái cho trẻ khi tiêm, việc theo dõi trẻ tại nhà sau tiêm cũng vô cùng quan trọng. TS. BS Thái cho biết, trẻ 5-11 tuổi đa phần hiếu động, chưa biết bày tỏ sự khó chịu hay các bất thường của cơ thể.
“Trong khi đó, các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, có thể vào ban đêm khi cả nhà đã đi ngủ. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi thật sát, để ý, động viên trẻ sau tiêm”, TS. BS Thái thông tin.
Theo thống kê, các phản ứng phụ có thể gặp ở trẻ gồm đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm... Phản ứng đa dạng và có thể nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh khác.
Do đó, chuyên gia cảnh báo khi cơ thể trẻ có bất thường không nhất thiết đúng theo bảng hướng dẫn, cha mẹ nên tham khảo ý kiến thầy thuốc và đưa con tới cơ sở y tế gần nhất.
Đặc biệt, nếu trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển như sốt, nhiễm trùng, hóa trị ung thư, viêm đa cơ quan (thường biểu hiện bằng sốt, phát ban, mắt đỏ...) nên hoãn tiêm cho đến khi khỏi bệnh.
Bác sĩ Thái khuyến cáo trẻ có tiền sử dị ứng, rối loạn tri giác, mắc hội chứng tăng động giảm chú ý... cần thận trọng khi tiêm. Trẻ có bệnh tim bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường... nên được đưa đến các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để tiêm chủng.
Đau tại vị trí tiêm
Mệt mỏi
Đau đầu
Đau cơ
Ớn lạnh
Buồn nôn/nôn mửa
Sưng/đau ở nách
Sốt
Ban đỏ tại vị trí tiêm
Sưng tại vị trí tiêm
Đau khớp
Nguồn: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
N. Huyền