Chống nạn buôn bán người cần thay đổi từ nhận thức của người dân
![]() |
Phụ nữ vùng dân tộc, có hoàn cảnh khó khăn dễ bị dụ dỗ bởi những kẻ buôn người |
Bị bán làm vợ
Là một trong số nạn nhân bị bán qua biên giới may mắn trốn thoát trở về với gia đình, em Triệu Thị V. (19 tuổi, ở Cao Lộc, Lạng Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng, hoảng sợ về những ngày sống ở nơi địa ngục trần gian.
Học xong cấp 3, V. ở nhà và không biết làm việc gì cả. Sau đó, em được một người bạn rủ sang bên Bằng Tường (Trung Quốc) bán hàng quần áo cho một chủ hiệu để có thêm tiền giúp đỡ mẹ. V. luôn mong muốn có thể kiếm tiền phụ giúp gia đình nên em đồng ý ngay.
Thế nhưng khi sang bên đó mới chỉ có bán hàng được vài hôm, em đã bị người ta đưa tới bán cho một nhà hàng kiêm quán karaoke. Những người này nói em chỉ phải làm nhân viên phục vụ nhưng thực ra là bắt em phải “tiếp khách”.
Có những ngày, chủ nhà hàng bắt em phải phục vụ tới 11 - 12 người đàn ông, khi em từ chối liền bị chúng đánh đập không thương tiếc. Rất may sau hơn 2 tháng, em gặp được một người quen ở gần nhà giúp em trốn thoát được về.
Khi trở về nhà, nỗi đau về mặt tinh thần dằn vặt em mỗi đêm. V cho biết cô không biết sẽ làm gì. V. cũng gặp nhiều nạn nhân giống như cô là người Việt Nam ở bên đó.
Trường hợp của gia đình chị Thào Thị Sảng (ở Mèo Vạc, Hà Giang) thì khổ hơn. Chị Sảng có hai người con được người ta nói sang Trung Quốc bán hàng để kiếm tiền. Nào ngờ, các con của chị đi biệt tích luôn vẫn chưa có tung tích ở đâu. Chị hỏi nhiều người họ nói có khi con chị bị bán đi làm vợ người ta. Nhìn các con đang tuổi ăn, tuổi lớn bị bán sang làm vợ cho những kẻ không biết như thế nào, ruột gan chị như thắt lại.
Ở huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, không chỉ riêng chị Sảng mà có rất nhiều gia đình rơi vào cảnh mất con, mất vợ bởi vì nạn buôn người. Những kẻ buôn người đến dụ dỗ những người phụ nữ không có việc làm về một công việc có lương cao, có tiền gửi về cho gia đình nên họ nhẹ dạ cả tin nghe theo nhưng thực chất những nạn nhân này sẽ được đưa qua biên giới và đưa sâu vào nội địa Trung Quốc để bán cho người dân bản địa làm vợ với giá vài chục triệu đồng.
Có những cô gái bị bán làm vợ hàng chục năm lấy những người chồng hơn mình vài chục tuổi, có con với họ và con đường hồi hương của những cô gái này ngày càng xa hơn.
Cần thay đổi nhận thức
Nhiều năm nay, chính sách một con kéo dài cùng truyền thống trọng nam khinh nữ đã khiến Trung Quốc rơi vào cảnh mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Nhiều nam giới Trung Quốc muốn lấy được vợ cũng khó nên những cô dâu người Việt đã trở thành một "mặt hàng giá trị" cho những người đàn ông không lấy được vợ bản địa. Đó chính là lý do vì sao, những kẻ buôn người thường lừa các cô gái bán sang Trung Quốc để làm vợ, làm gái mại dâm.
Theo bà Vương Ngọc Diệp, người sáng lập Vòng tay Thái Bình, tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục đích phòng chống tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, các cô dâu Việt Nam có thể bị bán với giá lên tới 3.000 USD. Sự tương đồng văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến các cô dâu Việt bị xem là "mặt hàng" hấp dẫn.
Tổ chức này cũng cố gắng tiếp cận với cộng đồng nhằm ngăn chặn tình trạng những bé gái rơi vào tay những kẻ buôn người. Mỗi tháng một lần, một nhóm các nạn nhân buôn người sẽ tới chợ Bắc Hà, nơi người ta mua bán đồ ăn, vải vóc và vật nuôi. Vào ngày hôm đó, trên sân khấu, trước sự theo dõi của hàng trăm người, họ kể về những câu chuyện đời mình, trả lời câu hỏi và tổ chức những trò chơi.
Khi họ đề nghị mọi người chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân đối với nạn buôn người, hơn 20 người đã trả lời. "Tôi cho rằng, nhận thức là công cụ duy nhất", bà Diệp nói.
Tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt - Trung ở mức báo động, ngày càng xuất hiện nhiều chiêu thức mới. Chính vì thế, theo các chuyên gia việc nâng cao nhận thức để các chị em không bị rơi vào bẫy của những kẻ buôn người là việc thiết thực nhất bởi vì nếu không có nhận thức họ sẽ dễ sa vào cạm bẫy của kẻ buôn bán người dăng ra.