Chợ truyền thống không dùng tiền mặt: Tiểu thương không còn lo vấn nạn tiền giả
Sau thời gian ngắn, nhiều địa phương triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều tiểu thương cho biết có rất nhiều lợi ích khi áp dụng phương thức này, nhất là đẩy lùi được vấn nạn tiền giả.
Chợ truyền thống 4.0, đi chợ không cần tiền mặt |
Cuối tháng 5/2022, Sở Công Thương Hậu Giang đã triển khai mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vị Thanh (TP Vị Thanh). Sau thời gian thí điểm, mô hình nhận được sự hưởng ứng và mang lại tiện ích cho tiểu thương, người đi chợ.
Và mới đây, ngày 7/7/2022, Hậu Giang đã chính thức ra mắt mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt đầu tiên của tỉnh tại chợ Vị Thanh.
Thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vị Thanh (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang). |
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang Huỳnh Thanh Phong cho biết: Để thực hiện chuyển đổi số theo mô hình chợ 4.0, hơn 2 tháng qua, Sở Công Thương đã phối hợp hợp với các ngành, địa phương, đơn vị cung cấp dịch vụ, ban quản lý chợ tuyên truyền rộng rãi. Đến nay chợ Vị Thanh có hơn 150 hộ tiểu thương cài đặt ví điện tử và đăng ký điểm thanh toán.
Bà Phạm Thị Lan, tiểu thương chợ Vị Thanh cho biết, từ ngày áp dụng thanh toán điện tử thì rất tiện lợi, chỉ cần có điện thoại thông minh, khách hàng có thể trả tiền khi quét mã QR hoặc trả qua ví điện tử… tiểu thương chúng tôi không lo lắng về chuyện tiền giả, cũng không phải chuẩn bị mớ tiền lẻ để thối tiền lại cho khách, còn người đi chợ không cần phải mang theo nhiều tiền mặt, bảo đảm an toàn.
Chỉ cần có điện thoại thông minh, khách hàng có thể trả tiền khi quét mã QR... |
Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện có 82 chợ truyền thống với khoảng 70% hàng hoá lưu chuyển qua kênh phân phối này.
Mô hình chợ 4.0 được triển khai tại TP Vũng Tàu |
Từ ngày 30/3/2022, chợ Thắng Nhất (TP Vũng Tàu) là chợ đầu tiên trong tỉnh thực hiện thí điểm mô hình chợ 4.0. Theo Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, sau khi thực hiện thí điểm tại chợ Thắng Nhất, mô hình chợ 4.0 sẽ được nhân rộng trong toàn tỉnh.
Các tiểu thương ở chợ Thắng Nhất cho biết, với những đơn hàng lớn vài triệu đồng hay những bó rau có giá vài nghìn đồng, người mua chỉ cần quét mã QR nếu có điện thoại thông minh hoặc chuyển tiền di động (mobile money) cho người bán.
Sau thời gian triển khai, mô hình chợ 4.0 tại chợ Vũng Tàu, chợ Thắng Nhất bước đầu đạt kết quả tích cực. Gần 200 tiểu thương tại 2 chợ này đã đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán qua ứng dụng Viettel Money và Viet QR của các ngân hàng, đạt tỷ lệ 39,5%, số lượng giao dịch là 393 giao dịch (trung bình 5 - 6 giao dịch/điểm).
Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, từ mô hình thí điểm tại chợ Thắng Nhất, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thí điểm ở chợ Mới Vũng Tàu và sẽ nhân rộng mô hình chợ 4.0 đến 11 chợ truyền thống khác trên địa bàn.
Thành phố hiện có hơn 70% dân số có điện thoại thông minh. Triển khai mô hình chợ 4.0 là một trong những hình thức chuyển đổi kinh tế số được chúng tôi thực hiện trong năm 2022. Từ đó, hướng tới nền thương mại không dùng tiền mặt, nâng cao hiện đại hóa trong buôn bán lẻ, góp phần xây dựng TP Vũng Tàu trở thành đô thị thông minh toàn diện.
Tại TP Vũng Tàu, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt tại 4 chợ gồm: chợ Vũng Tàu, chợ phường Thắng Nhất, chợ hải sản Nguyễn Công Trứ và chợ phường 7. Kết quả, 168/542 tiểu thương tham gia gắn mã QR. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người dân thành phố thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước và viễn thông đạt hơn 50%.
Người mua chỉ cần quét mã QR nếu có điện thoại thông minh |
Tại nơi được gọi là “TP đáng sống” Đà Nẵng, cuối tháng 4/2022, Sở Công Thương TP cũng ra mắt mô hình chợ 4.0 tại chợ Cồn.
Với mô hình này, tiểu thương và khách hàng có thể mua, bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã VietQR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money.
Chợ truyền thống 4.0 không dùng tiền mặt ở TP Đà Nẵng. |
Nhờ mô hình này, khách hàng có thể thoải mái đi chợ mà không còn lo phải mang theo nhiều tiền hay tiền lẻ..., nhất là các tiểu thương thì vui mừng hẳn vì sẽ không còn tình trạng tiền giả len lỏi vào chợ.
Cũng nhờ mô hình này, đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 1.300 tiểu thương tại 3 chợ loại 1 là chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa tham gia chương trình chợ 4.0.
Tại TP Đà Nẵng hiện đã có khoảng 1.300 tiểu thương tại 3 chợ loại 1 là chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa tham gia chương trình chợ 4.0. |
Từ tháng 3/2022, Sở Công Thương Nghệ An đã phối hợp với các huyện trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình chợ 4.0, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, đã có 6 chợ thực hiện mô hình gồm: Chợ Đô Lương, chợ Vinh, chợ Ga vinh, chợ Giát - Quỳnh Lưu, chợ Hôm Cửa Lò, chợ Tân Thành - Yên Thành…, với hơn 1.000 điểm liên kết thẻ thanh toán, cùng hàng nghìn tiểu thương đăng ký sử dụng ứng dụng Viettel Money, thực hiện giao dịch điện tử; tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực thương mại và đời sống.
Người dân đi chợ Phố Hiến (TP Hưng Yên) mua hàng dùng điện thoại thông minh quét mã QR để thanh toán mà không cần sử dụng tiền mặt . |
Tương tự như vậy, mô hình chợ 4.0 đang được triển khai từ đầu tháng 4/2022 tại một số chợ trung tâm ở TP Hưng Yên (Hưng Yên), điển hình là chợ Phố Hiến và chợ Gạo, được cả tiểu thương và người dân hưởng ứng, đánh giá cao.
Kim Ngân