Cấp bách phục hồi nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch
Theo chia sẻ của nhiều đơn vị hoạt động du lịch, 2 năm qua do tác động của dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực về tài chính dẫn tới nhiều lao động trong ngành du lịch đã phải nghỉ việc hoặc chuyển sang làm công việc mới. Nhiều lao động có tay nghề lo ngại việc làm trong ngành du lịch thiếu tính ổn định nên không mặn mà cũng tìm cách chuyển nghề, từ đó dẫn đến sự thiếu hụt lao động ngành du lịch, trong các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Thực trạng mất cân bằng cung và cầu nhân lực ngành du lịch,vấn đề thiếu nhân lực trong ngành du lịch, kể cả nhân lực có chất lượng cao là điều khó tránh khỏi khi du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi trở lại. Việc tuyển dụng lại và đào tạo mới nhân lực đang là bài toán cân đối về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo Hội đồng Lữ hành thế giới (WTTC), chỉ trong hai năm 2020-2021, đại dịch đã làm mất đi 62 trên tổng số 334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong năm 2021, khoảng 1.550 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề; cùng với khoảng 21.500 người lao động ngành du lịch phải tạm ngưng công việc, chiếm 34% tổng số lao động phục vụ trong khối cơ sở lưu trú, 11.600 lao động chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 18,3%. Trên hầu khắp các tỉnh trong cả nước, tình trạng lao động ngành du lịch bỏ nghề để tìm công việc mới cũng diễn ra phổ biến.
Trước sự suy giảm lượng lớn nguồn nhân lực du lịch do tác động của dịch COVID-19, nhiệm vụ phục hồi hoạt động du lịch đang gặp không ít khó khăn. Do đó, phục hồi lại nguồn nhân lực du lịch là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay, yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn của thị trường du lịch.
Để phục hồi du lịch sau dịch, không có cách nào khác các địa phương, doanh nghiệp lữ hành….phải tập trung đầu tiên vào nguồn nhân lực. Bởi đây là vấn đề trung tâm quyết định đến mọi hoạt động khác của du lịch. Hiện nay để khắc phục sự thiếu hụt cũng như chất lượng nguồn nhân lực, các địa phương và doanh nghiệp buộc phải tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự; chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người lao động. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm du lịch cũng như chất lượng dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên về lâu dài, ngành du lịch cần có kế hoạch tổng thể trong việc thu hút người lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới, chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề… Tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp, trong đó có các dữ liệu về lao động đã làm việc tại doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động cụ thể đối với các vị trí việc làm hiện tại và tương lai... Liên kết thông tin của các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý liên quan, nhất là các địa phương có nhiều lao động làm việc tại doanh nghiệp và đặc biệt là liên kết với người lao động để họ có thông tin về doanh nghiệp và có cơ hội tìm việc làm mới, hoặc quay trở lại làm việc.
Đặc biệt theo nhiều chuyên gia, để giải quyết bài toán nhân lực du lịch hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, nhất là hệ thống khách sạn cần tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo, bởi sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch thông qua việc doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo và thực hiện đào tạo đóng vai trò quan trọng và như vậy sẽ cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực du lịch sử dụng được ngay.Đơn vị tuyển dụng sẽ tiết kiệm được thời gian và các nguồn lực đào tạo cho việc đào tạo lại người lao động. Về lâu dài, người học cần được cung cấp cả hiểu biết, kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ thực tế, văn hóa giao tiếp, ngoại ngữ, công nghệ thông tin… nhằm cung ứng nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ ngày càng cao của khách du lịch.
NH