Cần nhanh chóng đưa dịch vụ cầm đồ, tiền ảo vào kiểm soát phòng chống rửa tiền
Luật PCRT, các văn bản hướng dẫn ra đời đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để công tác này được triển khai rộng rãi tới... Nhưng Luật cũng đã bộc lộ một số bất cập, cần tiếp tục hoàn thiện để phòng chống rửa tiền hữu hiệu hơn
Hiện nay, một số lĩnh vực hoạt động có rủi ro rửa tiền cao (cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng, cung cấp dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo, dịch vụ cầm đồ...) chưa được quy định là đối tượng báo cáo phòng chống rửa tiền theo Luật Phòng chống rửa tiền.
Luật sư Diệp Năng Bình trao đổi với PV Infonet về vụ việc |
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho biết: “Hiện nay theo quy định có các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật phòng chống rửa tiền đó là các tổ chức tài chính.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan, Tổ chức, cá nhân Việt Nam, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân quy định vừa nêu; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.
Ngoài ra, tại khoản 3, 4 Điều 4 của Luật cũng giải thích rõ thế nào là tổ chức tài chính và thế nào tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính. Thế nhưng theo Luật Phòng chống rửa tiền hiện nay, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực có rủi ro rửa tiền nhưng chưa được đưa vào đối tượng báo cáo, cụ thể là 4 đối tượng: Ví điện tử, cho vay trực tuyến (P2P lending), tiền ảo, dịch vụ cầm đồ”.
Ngoài ra, luật sư Diệp Năng Bình cũng nêu quan điểm: “Quy định về đối tượng báo cáo tại Luật này đã bộc lộ thiếu hụt, chưa theo kịp sự phát triển trong các hoạt động của các tổ chức tài chính và phi tài chính trên thực tế khi chưa bao quát đầy đủ các hoạt động, loại hình dịch vụ có rủi ro cao về rửa tiền như: rửa tiền điện tử, cho vay trực tuyến, tiền ảo, dịch vụ cầm đồ...
Cần nhanh chóng đưa dịch vụ cầm đồ, tiền ảo vào kiểm soát phòng chống rửa tiền. Ảnh: PV |
Có thể thấy trải qua gần 10 năm thi hành, Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT) và các văn bản hướng dẫn ra đời đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để công tác này được triển khai rộng rãi tới nhiều ngành nghề lĩnh vực, từ đó cải thiện hiệu quả của hoạt động phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng. Tuy nhiên, Luật cũng đã bộc lộ những một số bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động PCRT.
Lấy ví dụ, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Theo báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017, hoạt động cầm đồ ngày càng có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng hiệu cầm đồ cũng như quy mô vốn, việc đăng ký hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ dường như rất dễ dàng”.
Từ quan điểm nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình phân tích: “Nếu như trước đây hoạt động cầm đồ chủ yếu là cầm cố điện thoại, xe đạp, đồng hồ (những tài sản có giá trị không lớn) thì ngày nay hoạt động này đã chuyển mạnh mẽ sang cầm cố các tài sản có giá trị lớn nhưng lại rất khó kiểm soát như giấy tờ có giá trị lớn, ô tô, đồ trang sức đắt tiền… trong đó có cả việc nhận cầm cố, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có.
Do đó, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng, dịch vụ cầm đồ đang có dấu hiệu biến tướng tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”, là nơi tiêu thụ các tài sản do phạm tội mà có do đó tiếp tay cho tội phạm lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc… trong thời gian qua.
Chính vì thế việc mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền, đối tượng báo cáo bắt buộc phải xây dựng và triển khai cơ chế PCRT và tuân thủ các nghĩa vụ PCRT như thực hiện nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, báo cáo giao dịch đáng ngờ là rất cần thiết”.
Tiến Anh