Cách nào hướng giới trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả?
Hiện nay, mạng xã hội (MXH) được xem là một phần không thể thiếu trong đời sống của giới trẻ. Theo thống kê, các mạng xã hội lớn được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng là các nền tảng như Youtube với tỷ lệ đến 92%, thứ hai là Facebook có tỷ lệ sử dụng là 91,7%, kế tiếp là Zalo 76,5%,...
Một thống kê khác cũng chỉ ra, hiện nay trong hơn 30 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam thì có khoảng 87,5% đã và đang sử dụng các mạng xã hội nằm trong độ tuổi từ 15 đến 34 tuổi và thời lượng giới trẻ sử dụng mạng xã hội trung bình là 5h/ngày.
Số liệu này cho thấy giới trẻ đang dành khá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, hành vi cũng như công việc của giới trẻ.
Trên thực tế MXH ngày càng cho thấy sự tác động tiêu cực đến lối sống, tư tưởng, tinh thần của người trẻ với nhiều ẩn hoạ khôn lường, mạng ảo nhưng hệ quả là thật. Một số trào lưu như lấy dao lam rạch tay, khoe mình là "Tuesday", lột đồ... từng gây "sóng gió" trên MXH với nhiều bạn trẻ tham gia.
Hay gần đây nhất, nhiều bạn trẻ cũng vì tìm “việc nhẹ, lương cao” mà tin lời dụ dỗ qua MXH rồi không ngờ trở thành nạn nhân trong những đường dây buôn bán người sang Campuchia.
Trước thực trạng này, để từng bước nâng cao tính tích cực và hạn chế tính tiêu cực của MXH đến sự phát triển nhân cách và lối sống của giới trẻ, tại phiên thảo luận tại hội trường, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV diễn ra vào chiều 28/10, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) kiến nghị, cần nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục, định hướng cho giới trẻ để biết cách khai thác thông tin tích cực, kỹ năng sử dụng MXH, chọn lọc các thông tin hữu ích và tránh xa những tin độc hại, giáo dục cách ứng xử văn minh trên mạng, kiểm soát hành vi, lời nói khi sử dụng MXH, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân nào và không vi phạm pháp luật khi tham gia MXH.
Từ đó, từng bước phát huy mặt tích cực, ngăn chặn mặt tiêu cực, giúp giới trẻ hình thành thói quen có ích khi tham gia sử dụng Internet nói chung và các trang MXH nói riêng một cách hiệu quả.
Đại biểu Ngọc Linh cũng cho rằng các cá nhân, tổ chức cần thực hiện nghiêm túc Quyết định số 874 ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy tắc ứng xử trên MXH. Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với MXH, nhất là thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5.
“Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với mạng xã hội phải làm sao để kẻ xấu không có cơ hội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên các trang MXH.
Qua đó, giúp cho giới trẻ sử dụng MXH theo hướng tích cực, an toàn, hướng đến các giá trị của chân, thiện, mỹ, hình thành thói quen sống tích cực, lành mạnh, có hành động đẹp, biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, có thái độ đấu tranh, phản bác rõ ràng với cái sai, cái xấu trên mạng.
Chính vì vậy, các cơ quan có trách nhiệm cần có những chế tài xử lý mạnh hơn nữa đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trên các trang MXH”, đại biểu Ngọc Linh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, trao đổi với phóng viên, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng cấm đoán sử dụng MXH với giới trẻ chỉ là giải pháp cuối cùng và ít hiệu quả nhất. Điều chúng ta cần làm là xây dựng một MXH lành mạnh, an toàn, tích cực cho sự phát triển của giới trẻ nói chung và trẻ em nói riêng.
Ông Bùi Hoài Sơn đánh giá cao bộ quy tắc ứng xử trên MXH do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Những nguyên tắc như tôn trọng, an toàn, lành mạnh, trách nhiệm đối với quyền trẻ em cần phải được mọi người hiểu rõ và thực hiện thật tốt trên MXH, từ đó hình thành nên một dư luận xã hội phản đối những sai phạm liên quan đến trẻ em.
N. Huyền