Cách bảo vệ trẻ em trên mạng của một trường tiểu học ở Hà Nội
Mạng xã hội là nền tảng trực tuyến kết nối nhiều người. Nội dung do người dùng tự tạo ra và ít có sự kiểm soát. Nhiều em học sinh có thể tự tham gia mạng xã hội mà không cần có thầy cô hay gia đình trợ giúp. Điều đó làm nảy sinh những nguy cơ mất an toàn trên mạng với các em.
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, thầy Lê Đức Tuân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thượng B, xã An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm đến việc tuyên truyền để học sinh có thể an toàn trên không gian mạng.
Để làm được điều này, nhà trường phải nắm bắt được học sinh có thường xuyên sử dụng các mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube, Instagram, Zalo… hay không. Khi biết về học sinh của mình sử dụng các nền tảng mạng xã hội nêu trên, nhà trường sẽ tuyên truyền cho học sinh nắm được lợi ích và tác hại của mạng xã hội thông qua các video, clip vào chương trình phát thanh măng non…
Để có hiệu quả hơn, trong các giờ chào cờ đầu tuần nhà trường luôn quan tâm hướng dẫn các em sử dụng không gian mạng như thế nào cho an toàn. Không chỉ vậy, nhà trường còn đưa các video vào các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi đội để các em hiểu như thế nào là có lợi, có hại khi tham gia vào không gian mạng.
Ngoài ra, nhà trường cũng phân tích, hướng dẫn cho học sinh dùng mạng làm sao phát huy mặt lợi ích, tích cực. Từ đó các em lên mạng để cập nhật tin tức, tìm hiểu kho tàng kiến thức, kết nối bạn bè, tạo mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao hiểu biết, kĩ năng sống, phục vụ nhu cầu học tập, giới thiệu bản thân, lưu giữ khoảnh khắc, bày tỏ cảm xúc, vui chơi, giải trí,…
Bên cạnh đó, nhà trường cũng chỉ rõ tác hại như: Sử dụng mạng xã hội quá nhiều và không có sự giám sát của người lớn sẽ làm giảm tương tác giữa con người với con người trong thực tế, gây mất thời gian, sa sút học tập của các em. Khi các em xem mạng xã hội quá nhiều, phụ thuộc vào nó thì dễ dẫn tới tình trạng mất ngủ kéo dài, mất sự sáng tạo.
Mạng xã hội luôn có 2 mặt tốt và xấu nên nhà trường luôn giáo dục các em khi sử dụng mạng xã hội là phải chú ý những điều nên làm và không nên làm.
Trong quá trình sử dụng mạng xã hội, các em không nên tiếp xúc thông tin xấu, không tham gia nhóm kín gây kích động, lừa đảo, cám dỗ. Đặc biệt, các em không nên nảy sinh tình cảm, yêu sớm, so sánh người khác, bắt chước, đua đòi với người khác.
Nhà trường, Liên Đội khuyến cáo học sinh các vấn đề cụ thể khi tham gia mạng xã hội như: Không tiết lộ thông tin cá nhân; Việc tìm hiểu kiến thức trên mạng phải tìm những thông tin chính xác ở những trang web có uy tín; Cân nhắc khi đăng bài về hình ảnh, cảm xúc của bản thân lên mạng xã hội; Cẩn trọng với bạn bè trên mạng xã hội;
Bình luận trên mạng xã hội phải lịch sự, tôn trọng người khác; Không đăng tải thông tin sai sự thật; Không tham gia bắt nạt bằng ngôn ngữ trên mạng xã hội; Không tin vào chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội; Không tham gia nhóm kín gây kích động; Không đăng ảnh của người khác, nói xấu kèm thông tin không đúng sự thật, nếu có đăng ảnh của người khác thì chỉ được ủng hộ một cách tích cực”.
Về phương pháp tuyên truyền về bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng, Hiệu trưởng Trường An Thượng B chia sẻ: “Ngoài việc tuyên truyền đến học sinh, nhà trường thường xuyên phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp gửi các video tuyên truyền an toàn trên không gian mạnh vào các nhóm lớp để phụ huynh cùng theo dõi và có biện pháp quản lý con em mình. Nhà trường cũng tuyên truyền cho phụ huynh hiểu về lợi ích và tác hại của việc dùng mạng xã hội đối với học sinh thông qua các buổi họp phụ huynh".
"Ngoài ra, nhà trường cũng đưa ra các biện pháp và phương pháp xử lý như: Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sử dụng mạng tại trường, lớp. Nhắc nhở học sinh không mang điện thoại thông minh đến trường.
Tiếp đến là phát hiện và tìm hiểu nguyên nhân cũng như phối hợp với phụ huynh để giải quyết nếu biết học sinh có biểu hiện bất thường khi sử dụng điện thoại và mạng xã hội.
Khi xảy ra bạo lực hay bắt nạt ngôn ngữ liên quan đến học sinh trong trường, nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh để cùng tìm hướng giải quyết phù hợp.
Nhìn chung là nhà trường không khuyến khích học sinh tiểu học tham gia mạng xã hội. Tuổi của các em nên tập trung vào học tập, tham gia vui chơi thể thao, tìm hiểu văn hóa bổ ích”, thầy Lê Đức Tuân chia sẻ thêm.
Tiến Anh