Chuyển đổi số giáo dục cần quan tâm bảo vệ học sinh trên không gian mạng
Anh Nguyễn Ngọc Kiên có con trai học lớp 4 tại Hà Nội cho biết, thời gian dịch bệnh căng thẳng, con của anh học trực tuyến ở nhà nhưng do hai vợ chồng làm kinh doanh nên khó có thể giám sát việc học trực tuyến, từ đó dẫn đến việc con sử dụng thiết bị điện tử suốt ngày này qua ngày khác.
Từ cậu bé không biết gì về game online đến nay con của anh Kiên cứ rảnh là chơi game, thậm chí còn tỏ ra “điêu luyện” khi truy cập các trò chơi giải trí.
Anh Kiên chia sẻ thêm: “Chưa bao giờ con tôi dùng mạng xã hội nhiều đến thế. Hồi đầu cũng tạm ổn nhưng càng ngày càng nhiều chuyện, con xích mích với bạn trên mạng, rồi tụi nhỏ còn hẹn đánh nhau ngoài đời thực khiến tôi vô cùng đau đầu”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thoa (có con học cấp THCS ở Hà Nội) tâm sự: “Thỉnh thoảng kiểm tra đột xuất, thấy bố hoặc mẹ vào phòng, con tắt phụt trang web đang dùng để trở về tìm kiếm tài liệu học tập. Việc nhắc nhở luôn nhận lại sự khó chịu từ con, tôi từng nghĩ đến việc cấm con sử dụng máy tính nhưng không được vì thực tế con vẫn còn tham gia các lớp học trực tuyến, cô cũng giao bài qua nền tảng mạng xã hội”.
Hiện nay, dù học sinh đã tới trường học trực tiếp nhưng rất nhiều hoạt động kiểm tra, giao bài vẫn được giáo viên triển khai trên lớp học trực tuyến. Học sinh sử dụng máy tính ngoài giờ học là việc đương nhiên nên các bậc phụ huynh không thể cấm cản.
Theo một khảo sát của Google và Qualtrics đầu năm 2022, cha mẹ Việt Nam cảm thấy tích cực và tự tin hơn khi cùng gia đình sử dụng công nghệ. 81% cha mẹ tin tưởng rằng con họ sẽ trao đổi với họ khi gặp vấn đề trên mạng. Bên cạnh đó, mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh là thói quen lành mạnh trên môi trường kỹ thuật số, quyền riêng tư - bảo mật và nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, cứ 3 phụ huynh thì có 1 người cảm thấy con mình không hiểu rõ các vấn đề về sự an toàn trên mạng.
Còn theo báo cáo đánh giá tác động chương trình tư duy thời đại số (được thực hiện bởi Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), 80% học sinh tham gia khảo sát chia sẻ rằng các em đã biết cân nhắc thông tin nào nên và không nên chia sẻ công khai trên internet, biết sử dụng các công cụ để bảo vệ danh tính số của bản thân, và biết cách xác thực thông tin trực tuyến. 70% học sinh nói rằng các em đã áp dụng các kiến thức học được từ chương trình vào cuộc sống thực tế.
Việc trang bị kiến thức an toàn trên không gian mạng cho học sinh, đặc biệt đối với học sinh tiểu học là rất cần thiết. Bởi trên thực tế, nhiều em sau khi xem phải những chương trình có nội dung “bẩn” trên mạng đã học theo, có hành động gây nguy hiểm cho bản thân, để lại những tổn thương nặng nề về sức khỏe, tinh thần.
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: “Hiện nay, với nhiệm vụ chuyển đổi số giáo dục thì việc phát triển các kỹ năng an toàn trên mạng cho cả giáo viên và học sinh là điều rất quan trọng. Đặc biệt sau thời gian học sinh học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng càng cần thiết để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ tiềm ẩn, gây hậu quả xấu”.
Theo ông Minh Đức, Bộ GD&ĐT đã có có chủ trương xây dựng và lồng ghép vào chương trình giáo dục việc đào tạo kĩ năng số, chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thúc đẩy trao đổi hợp tác quốc tế trong việc bảo đảm an toàn thông tin cho trẻ em tại trường học.
Ngoài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chú trọng thúc đẩy kỹ năng số và an toàn internet, ông Đức cho rằng, cần có sự phối hợp nhiều hơn nữa giữa nhà trường, gia đình và xã hội để luôn bảo đảm các em học sinh có một môi trường trực tuyến an toàn và lành mạnh.
Hoàng Thanh