Các bộ phim về đường Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ: Chất đời đưa vào trong phim
Nếu các bộ phim Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Mùa nước nổi, Mùa gió chướng, Đường về quê mẹ… từng gây xúc động khi ra mắt 40 năm trước; thì các phim thế hệ thứ 2 như Cỏ lau, Ngã ba Đồng Lộc, Đời cát… cũng đã cách đây tới 20 chục năm. Phim chiến tranh Việt Nam đang cần những làn gió mới với cách làm mới hiện đại hơn, trẻ trung hơn và đời hơn.
Để rồi các bộ phim Đường thư 2005, Những người viết huyền thoại 2013 xuất hiện khi khắc họa chân thực về các chiến sĩ thông tin, các quân nhân xây dựng hệ thống đường ống xăng dầu. Hai bộ phim cũng chỉ là 2 trong hàng chục con “đường Trường Sơn” huyền thoại khác đã lên phim, trong khi các con đường tiền tệ, đường Trường Sơn trên biển… vẫn chưa được phim ảnh đề cập tới.
Đường thư 2005 – những chiến sĩ thông tin
Nôi dung phim Đường thư năm 2005 khắc họa về Cao điểm 861 bị bao vây bốn mặt, đường dây liên lạc hoàn toàn bị cắt đứt. Trong tình thế nguy cấp ấy, với nhiệm vụ không thể để mất cao điểm này, cấp trên quyết định chuyển một bức thư tối mật đến 861, yêu cầu binh sĩ quyết tâm bám trụ chờ chi viện. Nhiệm vụ này được giao cho Tân (Quốc Tuấn), một người quân bưu dạn dày kinh nghiệm và Hoàng An (Tuấn Tú), một chiến sĩ trẻ vừa ra trận.
Trên hành trình đưa thư hỏa tốc, họ gặp phải một toán biệt kích giữa rừng sâu. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Hai chiến sĩ quân bưu sau một chặng đường dài, chứng kiến không biết bao nhiêu mất mát đau thương của đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bộ phim khởi đầu cho cách nhìn khá mới mẻ của những đạo diễn trẻ khi khắc họa về chiến tranh chống Mỹ, chân thực và khốc liệt.
Đường thư nói riêng, đường dây liên lạc nói chung chạy dọc đường Trường Sơn chỉ là 1 trong rất nhiều con đường hữu hình (xăng dầu, vận tải…) nằm dọc 2 sườn Đông – Tây của dãy Trường Sơn được hàng ngàn chiến sĩ thông tin canh giữ. Hàng ngàn người đã phải đánh đổi bằng cả mạng sống để giữ đường dây liên lạc được thông suốt. Có những chiến sĩ chấp nhận hy sinh, khi đã bị thương nặng vẫn cắn rang dùng thân mình làm “dây sống” để giữ mạch đường dây điện thoại.
Những người viết huyền thoại 2013
Lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước thời kỳ những năm 1960, khi yêu cầu chi viện xăng dầu vào chiến trường miền nam ngày càng tăng cao và cấp bách, bộ phim Những người viết huyền thoại xây dựng nhân vật tướng Dinh dựa trên nguyên mẫu là Thượng tướng Đinh Đức Thiện và đoàn 559 trong công cuộc xây dựng đường ống xăng dầu chạy từ biên giới phía bắc đến tận miền Đông Nam Bộ.
Nội dung phim khắc họa phần nào suốt 7 bảy năm trời (1968-1975), dưới sự chỉ huy của Tướng Đinh Đức Thiện, bộ đội xăng dầu đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ và hiểm nguy để lập nên kỳ tích xây dựng tuyến đường ống dài hơn 5 nghìn km, cùng hệ thống 100 kho chứa chạy suốt từ bắc vào nam trong đó các đường ống “dày đặc” trên đỉnh Trường Sơn ngày ấy khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
Cũng giống như phim Đường thư 2005, phim Những người viết huyền thoại cũng được làm bởi một đạo diễn trẻ (Bùi Tuấn Dũng), biên kịch “cứng” tay Nguyễn Anh Dũng cùng tay máy kỳ cựu Lý Thái Dũng, nên về chất liệu điện ảnh đây thực sự là bộ phim đáng xem cả về nghệ thuật lẫn nội dung. Đáng chú ý, trong phim bên cạnh những cảnh quay nghẹt thở lại xen lẫn những phân cảnh đời thường hết sức ngọt ngào.
Ví dụ, các phân cảnh khói lửa cầu kỳ, cảnh bắn nhau chát chúa, hình ảnh những viên đạn găm thẳng vào thân cây, hay cảnh máy bay Mỹ ném bom cày xới từng mảng đường, từng vạt núi… khiến người xem bị cuốn vào nội dung không thể rời mắt. Bên cạnh đó là phong cảnh rừng Trường Sơn hùng vĩ với lá đỏ, suối nước trong veo thơ mộng…
Có một thực tế, “Đường Trường Sơn” ban đầu được nhiều người hiểu là tuyến đường tiếp vận Bắc – Nam bằng đường bộ, nhưng sau này nó còn là tên của nhiều có đường tiếp vận khác mà chính nhờ những tuyến đường này công cuộc thống nhất đất nước năm 1975 mới thành công. Sau khi các tuyến “đường Trường Sơn” huyền thoại lên phim, nhiều người mới hiểu rõ hơn về những dòng chảy Bắc Nam ngày ấy.
Việt Hoàng