Buồn với bài văn điểm 9 của con
Tôi đọc thử. Đề bài là hãy chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ Có công mài sắt, có ngày nên kim.
Ảnh minh họa |
Bất chợt trong tôi dâng lên một nỗi buồn khó tả.
Thứ nhất, chữ con tôi thuộc hàng xấu nhất, nhì lớp, bài viết lại bôi xóa lung tung. Chấm văn, ngoài việc cho điểm nội dung thì hình thức cũng rất quan trọng. Vậy mà bài làm của con được 9 điểm!
Thứ hai, các ý trong bài lẫn lộn, chồng chéo nhau chẳng theo một mạch lạc nào. Vậy mà bài được 9 điểm!
Thứ ba, khi làm văn hay học bất kỳ môn nào, có nhập tâm, có thích thú mới có thể diễn đạt hết ý. Tôi hỏi đến lần thứ ba con tôi mới nhớ đề bài. Ý ở đâu ra để viết khi cháu quá hờ hững như vậy? Nhưng có lẽ nỗi buồn lớn nhất, sâu sắc nhất và cũng là thất vọng nhất khi tôi đọc bài viết được 9 điểm của con là suốt năm trang giấy tập, không có bất kỳ một dấu mực đỏ nào sửa, không có bất kỳ một chữ nào ghi ý kiến của giáo viên. Nghĩa là không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giáo viên đã đọc, đã sửa!
Suốt 18 năm dạy văn, hết cấp II rồi cấp III (bây giờ là THCS và THPT), tôi gặp biết bao nhiêu em học kém môn văn: chữ thì xấu, ý thì nghèo nàn, giọng văn rời rạc... Bực lắm, nhưng mình là thầy giáo, nhiệm vụ của mình là phải sửa để các em nhận ra chỗ hay cũng như chỗ chưa được. Chỉ như vậy các em mới có cơ hội phát triển, sửa mình, tiến bộ. Người học cần mình là vậy, nếu không thì họ tới trường để làm gì?
Tôi rất tự hào là nhờ tôi phê chi chít, sửa nhăm nát như vậy mà nhiều em sau này trở thành học sinh khá, giỏi môn văn. Kết quả đó có chút công của mình, mình có quyền hãnh diện. Bây giờ khi đọc bài của sinh viên, tôi cũng vẫn giữ thói quen này: sửa, phê, động viên, khích lệ.
Rất nhiều sinh viên cảm thấy xấu hổ khi nhận ra những chỗ ngớ ngẩn của mình nhưng không anh chị nào ghét tôi, thậm chí còn kính trọng vì tôi đã giúp họ nhận ra chỗ chưa hoàn thiện của mình.
Cô giáo của con tôi chắc cũng qua một thời được thầy cô chăm chút như thế. Sao cô lại vô tâm với các cháu như vậy?
Nguồn TTO