Bóc mẽ 'giang hồ mạng': Cháy nhà ra mặt... tội phạm
“Giang hồ mạng” thường lên mạng xã hội dạy đạo đức, ca ngợi tình nghĩa giang hồ, sống chết có nhau, nhưng chỉ khi bị cơ quan chức năng xử lý, các “tay anh chị online” mới “cháy nhà ra mặt... tội phạm”.
Rao giảng đạo đức
Còn nhớ, trong phiên xét xử Khá Bảnh (Ngô Bá Khá), cả trăm “anh em giang hồ” bu đông nghịt ngay trước cửa tòa từ sáng sớm với điện thoại xịn, wifi tốc độ cao để sẵn sàng livestream. Sau đó hớn hở khoe nhau: “Em được 50 nghìn mắt xem (số người xem cùng lúc)”, “Em được 5k like rồi!”,… khi lượng like (thích) tăng vù vù. Trong phòng xét xử, nhân vật chính Khá Bảnh nói gì, có lãnh án bao nhiêu năm thì cũng “mắc - kê - nô” (mặc kệ nó).
Một loạt những “anh em” khác như Phú Lê, Phúc XO, Trường con… khi bị bắt cũng trở thành “cần câu” kiếm like của giang hồ sống ảo khác. Bất cứ lúc nào livestream, các huynh đệ đều gắn từ khóa là tên tuổi các “tay anh chị online” đã “bóc lịch” vào để tăng lượt xem càng nhiều càng tốt.
Bên cạnh khoe mẽ giàu có, thành đạt, “giang hồ mạng” còn lên mạng rao giảng đạo đức, khuyên răn “anh em” rời xa tệ nạn nhưng thực tế khác xa bài giảng khiến “fan” ngỡ ngàng.
Hai lần bị công an ăn bắt vì nghi sử dụng ma túy thì hai lần Huấn Hoa Hồng đều dương tính với chất cấm này. Tìm lại các video, livestream của Huấn Hoa Hồng, thanh niên này thường xuyên khuyên người khác tránh xa ma túy. Việc khuyên nhủ “fan” của Huấn trong các buổi livestream được thực hiện sau khi “giang hồ mạng” này đã có chút tiếng tăm, nổi tiếng ở trên mạng xã hội. Bản chất con người Huấn bị bóc mẽ khi đối tượng bị cơ quan chức năng bắt quả tang đang thác loạn và dương tính với ma túy, phải đi cai nghiện bắt buộc.
Trong một livestream, “giang hồ mạng” Trường con (Trịnh Xuân Trường) từng rao giảng: “Chơi gì cũng được nhưng không được chơi đá, chơi cỏ, chơi kẹo, chơi ke, không bao giờ nghiện...”. Đầu tháng 1/2020, Trường con bị Công an Nghệ An bắt khi vận chuyển ma túy.
Khá Bảnh cũng làm clip kêu gọi giới trẻ xây dựng một sân chơi “sống đẹp”, “sống bản lĩnh”…; dạy dỗ đàn em nói không với cờ bạc, ma túy. Lời nói chưa bị gió cuốn bay, clip vẫn còn đó nhưng giữa tháng 11/2019, Khá Bảnh bị TAND thị xã Từ Sơn, tinh Bắc Ninh tuyên phạt 4 năm tù về tội đánh bạc, 6 năm 6 tháng tù về tội tổ chức đánh bạc. Tổng hình phạt dành cho Khá Bảnh là 10 năm 6 tháng tù.
Ðầu độc giới trẻ
Nhiều giang hồ mạng đã “sa cơ”, ngồi bóc lịch nhưng điều đó không khiến cho các huynh đệ của “giang hồ mạng” ngừng đầu độc giới trẻ bằng những video độc hại, những hành vi lệch chuẩn tạo ra những hình mẫu xấu xí.
Kết cục của “giang hồ mạng” là vào tù vì những hành vi vi phạm pháp luật. |
Điển hình là video của nhân vật T Cá chép, có nội dung được cho là “hành hiệp trượng nghĩa” như: “Xử lý nhóm côn đồ lừa đảo tống tiền chuyên nghiệp”, “Giúp đỡ em gái sinh viên bị ép phục vụ khách kiếm tiền trả nợ, chữa bệnh cho bố”, “Giúp bà mẹ ốm yếu dạy dỗ đứa con bất hiếu”...
Điều đáng nói, nhóm người này “hành hiệp trượng nghĩa” không phải dùng lý lẽ hay báo cơ quan chức năng mà lấy hành vi bạo lực để giải quyết vấn đề. Chưa kể, khi những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng được đưa lên mạng xã hội, nhiều người vô can bỗng nhiên bị nhiều người lạ chửi bới, dọa dẫm, ném đá vì... nhầm.
“Những hình ảnh, hành vi bạo lực trên mạng sẽ tạo ra những hiệu ứng mà ta có thể gọi “mồi lửa” cho hành vi bạo lực thật. Đặc biệt là trẻ em, thanh niên dễ bị kích thích bởi những hình ảnh bạo lực mà mình xem trên mạng”, BS CK2 Trần Minh Khuyên (Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM)
Là người phản đối mạnh mẽ lối sống, cách hành xử của “giang hồ mạng”, luật sư Nguyễn Minh Tâm - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, một đặc điểm rất đặc thù của mạng xã hội là người sử dụng rất thích tìm kiếm những thông tin độc lạ, quái dị để thỏa mãn tính hiếu kỳ, tò mò. Nắm bắt tâm lý này, nhiều đối tượng tự biến mình thành những kẻ “quái, độc”, thực hiện những hành vi lệch chuẩn. Họ xăm mình, khoe chiến tích, chửi thề, đe doạ đánh nhau... tạo ra hình tượng có tính chất giang hồ. “Dù kết thúc của mọi “giang hồ mạng” đều không có hậu nhưng không ít kẻ vẫn bất chấp. Nhiều người còn quan niệm thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt…”, luật sư Tâm nói.
BS CK2. Trần Minh Khuyên - Trưởng khoa Tâm thần kinh và Trị liệu tâm lý Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM cho rằng, ai cũng có cái tôi riêng, muốn mình vượt trội, được nhiều người ngưỡng mộ. Với người có tri thức, có nhân cách, họ đạt điều mình muốn bằng cách cố gắng học tập và lao động. Còn đối với kẻ lười biếng nhưng tham vọng giàu có, nổi tiếng chớp nhoáng lại tìm cách xưng hùng xưng bá trên mạng xã hội, làm clip bạo lực câu view dẫn dụ người vào xem để kiếm tiền và danh tiếng ảo.
“Các hành vi bạo lực trên mạng dần dần sẽ được các bạn trẻ nhập tâm, thành một phần trong tiềm thức. Khi gặp một tình huống trong đời thực tương tự như những thứ đã xem, các em sẽ diễn lại các hành vi đó một cách rất bột phát. Điều này hết sức nguy hiểm cho xã hội, có thể dẫn đến lệch lạc về nhân cách của thế hệ trẻ, gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng xã hội”, BS Khuyên nhìn nhận.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Minh Khuyên, nhiều giang hồ mạng đã bị bắt, nhưng sẽ còn nhiều giang hồ mạng kiểu mới ra đời nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng. Do đó, cùng với việc áp dụng pháp luật để xử lý mạnh tay với trường hợp này thì cơ quan quản lý nhà nước cũng cần kiến nghị, có cơ chế phối hợp để YouTube phải thay đổi chính sách sao cho chặt chẽ hơn, phù hợp với pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Theo tienphong.vn